Phải có đơn mới được thi hành án: Tự làm khó nhau?

Chiều 23/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi). Nhiều ý kiến đại biểu tỏ ra băn khoăn về quy định người được thi hành án (THA) phải có đơn yêu cầu THA sẽ làm giảm hiệu quả bản án pháp luật, đồng thời gây khó khăn cho cả cơ quan thi hành và người được THA.

Tại Điều 7, Điều 29 Dự thảo quy định: “Người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành; yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự hoặc tổ chức có thẩm quyền ra quyết định THA và tổ chức việc THA. Người yêu cầu tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu THA bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện”.

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc sửa đổi quy định về ra quyết định thi hành án ((khoản thi hành cho công dân)theo hướng: Tòa án (hoặc Cơ quan THA) phải ra quyết định THA đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, không buộc người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp người được THA có đơn đề nghị không thi hành án, từ bỏ quyền, lợi ích của mình theo bản án, quyết định của Tòa án thì cơ quan THA lập biên bản ghi nhận việc đó và đình chỉ THA.

 

Quốc hội thảo luận tại Hội trường. (Ảnh: dangcongsan.vn)

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, THA là trách nhiệm của cơ quan THA, nếu quy định người được THA phải có đơn yêu cầu THA là quá cứng nhắc, nhất là đối với trường hợp không hiểu biết pháp luật hay ở vùng sâu, vùng xa.

Đồng quan điểm, ĐB Trương Trọng Nghĩa, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng đã có bản án thì phải THA, nếu không được thi hành thì vô nghĩa, công lý không được thực hiện một cách đầy đủ, cũng như không bảo đảm tính khả thi của pháp luật. Các ĐB cũng bày tỏ sự lo ngại nếu quy định phải làm đơn yêu cầu THA vô hình chung lại có tác dụng ngược lại bởi trong nhiều trường hợp người được THA không đồng tình với bản án và muốn kéo dài thời gian THA nên không làm đơn. Thực tế thời gian qua đã cho thấy có những vụ án lớn như Vinashin đã rất khó khăn trong việc THA chỉ vì các đơn vị "con' của Vinashin không có đơn yêu cầu.

Dẫn quy định tại Điều 106 của Hiến pháp: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”, ĐB Hồ Văn Nam (Đồng Nai) đề nghị Dự thảo Luật cần cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, nhất là bảo đảm thi hành. Theo đó, việc không quy định làm đơn yêu cầu THA sẽ giảm bớt thủ tục hành chính, tránh việc đi lại tốn kém, nhất là các đối tượng vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khi trình độ văn hóa, hiểu biết pháp luật còn hạn chế dẫn đến không biết viết đơn yêu cầu THA; đồng thời, tăng cường tính nghiêm minh pháp luật; bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, bảo đảm sự bình đẳng giữa quyền và lợi ích của Nhà nước và của công dân. Trường hợp người được THA có đơn đề nghị không THA, từ bỏ quyền, lợi ích của mình theo bản án, quyết định của Tòa án thì cơ quan THA lập biên bản ghi nhận việc đó và đình chỉ THA.

Trong khi đó, ĐB HYIM KĐOH (Đaklak) đề nghị giữ nguyên quy định trên. Theo lý giải của ĐB, tôn trọng quyền tự định đoạt giữa các bên đương sự là nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng dân sự, pháp luật luôn khuyến khích ý thức tự giác thực hiện pháp luật của công dân, do đó, cần khuyến khích các bên tự nguyện THA, nếu không vi phạm quyền tự định đoạt của người THA.

ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cũng đồng tình khi cho rằng quy định người được THA phải có đơn yêu cầu THA mới được THA là sự ràng buộc với nguyên tắc cơ bản trong pháp luật về dân sự và phù hợp tính chất hoạt động, thực tế thực hiện THADS ở nước ta hiện nay.

Về xác minh điều kiện THA (Điều 44), đa số các ý kiến tán thành với dự thảo Luật về việc sửa đổi quy định về xác minh điều kiện THA theo hướng, giao trách nhiệm này cho cơ quan THADS nhằm giảm bớt khó khăn cho người được thi hành án (THA).

Nhất trí cao với quy định này, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phân tích việc xác minh điều kiện THA ( Điều 44) đối với người phải THA là vô cùng khó khăn, bởi các cơ quan phải cung cấp thông tin ngại “va chạm” nên không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ các thông tin về tài khoản, tài sản...đối tượng mình đang quản lý , trong khi đó nếu thiếu một trong số thông tin trên bản xác minh điều kiện THA đã không có giá trị .

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng cho rằng thực tế có nhiều phát sinh, tiêu cực từ xác minh điều kiện THA. Tuy nhiên, lại tỏ ra băn khoăn nếu trường hợp kết quả xác minh điều kiện THA giữa chấp hành viên khác với người được quyền THA thì cơ quan nào giải quyết xem xét khiếu nại . “Luật cần phải quy định rõ” nội dung này, ĐB kiến nghị./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam