Đại biểu Quốc hội đề nghị không nên có chương riêng quy định về doanh nghiệp Nhà nước trong Luật doanh nghiệp (sửa đổi)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật này.

Luật doanh nghiệp (sửa đổi) quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại doanh nghiệp và giải thể công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp cá thể; quy định về nhóm công ty.

Thảo luận tại Hội trường, đa số đại biểu cho rằng, qua hơn 8 năm thực hiện, Luật doanh nghiệp đã bộc lộ những khiếm khuyết, gây ra khó khăn, vướng mắc, hạn chế việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh nói chung và phát triển doanh nghiệp nói riêng. Vì vậy, việc bổ sung, sửa đổi Luật doanh nghiệp hiện hành đã trở thành nhu cầu thực tiễn cần thiết, thực hiện đầy đủ nội dung và tinh thần về quyền tự do kinh doanh quy định tại Điều 33 Hiến pháp năm 2013.

Một trong những thay đổi quan trọng trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là đổi mới phương thức quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp trên nguyên tắc doanh nghiệp được quyền chủ động kinh doanh tất cả những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế.

Thảo luận về nội dung này, các đại biểu đề nghị quy định cụ thể trong Luật những ngành, nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, lập danh mục mang tính chất kỹ thuật, thực hiện định kỳ công bố công khai những ngành nghề trên, nhưng cần có cơ chế bảo đảm tính khả thi của việc ban hành danh mục này.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) bày tỏ quan điểm: “Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh cũng cần được quy định cụ thể và thống nhất trong dự luật nhằm tránh sự tùy tiện trong các văn bản hướng dẫn khác. Riêng ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể giao cho Chính phủ quy định nhưng danh mục này phải đảm bảo tính ổn định lâu dài chứ không nên rà soát hàng năm như dự thảo quy định”.

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị: Quốc hội nên định kỳ hàng năm giám sát danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện để bãi bỏ các nội dung không phù hợp.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) khẳng định về sự cần thiết phải ban hành danh mục bị cấm, kinh doanh có điều kiện kèm theo luật, theo đúng tinh thần của Hiến pháp là quyền kinh doanh chỉ bị hạn chế theo luật. Định kỳ Chính phủ sửa đổi bổ sung trình danh mục ra Quốc hội và Quốc hội thực hiện việc điều chỉnh để bảo đảm phù hợp Hiến pháp và tránh thường xuyên điều chỉnh ngành nghề cấm, kinh doanh, tránh xáo trộn, hạn chế thu hút đầu tư.

Về doanh nghiệp xã hội, thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu tán thành quy định về doanh nghiệp xã hội hóa, tuy nhiên, cần quy định rõ định nghĩa, tiêu chí, điều kiện, thẩm quyền thành lập và các hoạt động của doanh nghiệp xã hội, tránh gây hiểu nhầm giữa các khái niệm doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp công ích, tránh việc lợi dụng ưu đãi để thành lập doanh nghiệp xã hội.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị nghiên cứu quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng hơn về doanh nghiệp xã hội. Theo ông, doanh nghiệp xã hội cần được hiểu theo 2 nhóm: 1 là nhóm doanh nghiệp tham gia các hoạt động về giáo dục, môi trường, xóa đói giảm nghèo. Hai là, nhóm doanh nghiệp tham gia vào việc đào tạo, tạo việc làm, giải quyết vấn đề đời sống cho nhóm đối tượng yếu thế, rủi ro như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, người khuyết tật… các doanh nghiệp này vẫn là doanh nghiệp kinh doanh thu lợi nhuận, không bắt buộc theo quy định 51% như trên nhưng phải đảm bảo quy định chung khác với doanh nghiệp và giải quyết được vấn đề việc làm, đời sống của các đối tượng xã hội.

“Doanh nghiệp xã hội là loại hình doanh nghiệp cần được chú ý và có chính sách ưu đãi đặc biệt, nhất là chính sách đầu tư, điều kiện kinh doanh, vay vốn…” – ông Nguyễn Lâm Thành đề xuất.

Cho ý kiến về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đa số đại biểu nhất trí với quy định của Dự án Luật, tuy nhiên nhiều đại biểu đề nghị cần tăng cường hậu kiểm, kiểm soát chặt chẽ.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đề nghị cần Luật hóa các quy định về chế độ hậu kiểm, quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong Luật. Ông Lộc kiến nghị phải chế định khoa học công tác hậu kiểm để bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp không bị lợi dụng, bảo đảm các doanh nghiệp đăng ký là để kinh doanh chứ không phải doanh nghiệp ma, lập ra để mua bán hóa đơn, để lừa đảo.

Ông Lộc cho rằng, phát hiện doanh nghiệp ma khi họ có ý định trong đầu là không thể, nhưng sau một thời gian lập ra là có thể nếu các cơ quan liên quan làm tốt công tác hậu kiểm. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp là cần thiết để kiểm tra hậu kiểm, nhất định không để tình trạng cơ quan Nhà nước và xã hội không biết doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoạt động như thế nào, còn hay mất..

Một số ý kiến đề nghị giữ quy định về ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để phục vụ cho công tác hậu kiểm, để doanh nghiệp có cơ sở chứng minh hoạt động của mình, ngăn ngừa phát triển lợi ích nhóm, phục vụ cho công tác thống kê, phân loại các ngành, nghề. Đồng thời, đề nghị xác định rõ phạm vi, tránh chồng chéo giữa Luật doanh nghiệp với Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, Luật đầu tư, Luật phá sản, Luật đầu tư công.

Liên quan đến việc bổ sung chương mới quy định về doanh nghiệp Nhà nước, đa số đại biểu đề nghị không nên có chương hoặc mục riêng quy định về doanh nghiệp Nhà nước trong Luật. Các đại biểu cho rằng, việc bổ sung một chương, mục riêng quy định về doanh nghiệp Nhà nước có thể dẫn đến sai lệch kết cấu, bản chất và chức năng vốn có của Luật doanh nghiệp là luật chung về thành lập, tổ chức và hoạt động doanh nghiệp, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. Do vậy, đối với những nội dung có tính đặc thù liên quan đến thành lập và tổ chức quản lý doanh nghiệp Nhà nước cần được chuyển hóa vào các phần tương ứng trong dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi).

Tuy nhiên cũng có một số đại biểu tán thành với dự án Luật về việc có chương riêng điều chỉnh hoạt động đối với doanh nghiệp Nhà nước và cho rằng, thực tế có một số không nhỏ doanh nghiệp hoạt động yếu kém thời gian qua đặt ra yêu cầu cấp thiết cần quy định rõ và chặt chẽ hơn về quản trị doanh nghiệp đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Trước đó, với 86,75% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam