1. Những ngày qua, dư luận quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; yêu cầu tìm giải pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế để giải quyết căng thẳng hiện nay trên Biển Đông.
Tại Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) giữa ASEAN với Mỹ diễn ra tại Myanmar (Mi-an-ma) vào ngày 10-6, phía Mỹ khẳng định ủng hộ các quan điểm của ASEAN như được thể hiện trong tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa qua, bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng gia tăng trên Biển Đông và phản đối các hành động đơn phương, sử dụng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng, áp đặt, yêu sách chủ quyền lãnh thổ, theo đó ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, ngày 11-6, Hội Luật gia dân chủ quốc tế đã công bố Tuyên bố về tình trạng leo thang trên Biển Đông và quan ngại về tình hình căng thẳng đang gia tăng giữa các nước trong khu vực liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông. Hội Luật gia dân chủ quốc tế đã quyết định gửi thư tới chính quyền Trung Quốc, trong đó có nội dung đề nghị Trung Quốc làm rõ cơ sở pháp lý của các hoạt động đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đưa tàu, máy bay và tàu quân sự tới hoạt động gần giàn khoan, tiến hành những hành vi khiêu khích như đâm, phun vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, gây thiệt hại về phương tiện và đe dọa tính mạng con người cũng như các vụ việc tấn công các tàu cá của Việt Nam và kêu gọi Trung Quốc, với tư cách quốc gia thành viên LHQ và là 1 trong 5 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an LHQ phải tôn trọng, tuân thủ và giữ gìn tuyệt đối Hiến chương LHQ, xử sự đúng tư cách của một nước lớn cũng như đúng tư cách của một quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an LHQ.
Cũng liên quan đến Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tại cuộc gặp Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ Lê Hoài Trung, ông John Ashe (G.A-sơ)-Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế về diễn biến căng thẳng trên Biển Đông. Ông cũng hoan nghênh và khẳng định ủng hộ chủ trương của Việt Nam tìm kiếm biện pháp hòa bình theo Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế để giải quyết căng thẳng. Tại cuộc gặp, Đại sứ Lê Hoài Trung một lần nữa khẳng định, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, đồng thời bác bỏ những lý lẽ trái thực tế, không có cơ sở pháp lý quốc tế về các vấn đề nêu trong các tài liệu của Trung Quốc lưu hành tại LHQ.
2. Hành động nguy hiểm khác của Trung Quốc trên biển Hoa Đông khiến Chính phủ Nhật Bản triệu hồi Đại sứ Trung Quốc để phản đối việc máy bay Trung Quốc tiếp tục áp sát “nguy hiểm” với 2 máy bay quân sự của nước này vào ngày 11-6.
Thời gian gần đây, mối quan hệ Nhật-Trung trở nên căng thẳng vì những tranh cãi chủ quyền liên quan tới một quần đảo. Tình hình nghiêm trọng hơn khi 2 máy bay phản lực Su-27 của Trung Quốc tiếp tục bay chỉ cách 30m máy bay của Nhật Bản trong khu vực chồng lấn thuộc các Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của 2 nước. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga (Dô-xi-hi Xu-ga) tuyên bố: “Đó là hành động vô cùng đáng tiếc và không thể dung thứ”. Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 3 tuần, Tokyo (Tô-ki-ô) cáo buộc những động thái “khiêu khích” của Bắc Kinh trên không phận vùng quần đảo 2 bên đang tranh chấp căng thẳng mà Nhật Bản gọi là Senkaku (Xên-ca-cư) , còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
P.V