Tham nhũng chưa được đẩy lùi, còn diễn biến phức tạp

Sáng 12/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Phải giải trình nếu có biến động tài sản

Giải đáp câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) về kết quả của việc kê khai tài sản và đây có phải là giải pháp hữu hiệu để phòng chống tham nhũng hay không? Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho hay, việc kê khai tài sản được thực hiện từ năm 2008 và từ đó đến nay hàng năm đều thực hiện việc kê khai lần đầu và kê khai bổ sung. Ngoài ra, có những đối tượng có biến động về tài sản cũng phải kê bổ sung.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi năm 2012 có hiệu lực, việc kê khai tài sản này có tiến bộ hơn. Chính phủ khi đó đã ban hành Nghị định 78 hướng dẫn thực hiện luật, Thanh tra Chính phủ ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện việc kê khai. Đến 2013 kết quả đạt trên 642.000 đối tượng được kê khai, đạt hơn 98%, công khai hơn 59%. Đến nay có hơn 919.000/ 935.000 người đã kê khai tài sản, đạt 98%. Trong số kê khai này, có hơn 200.000 bản kê khai thuộc cấp ủy quản lý.

Trong quá trình kê khai tài sản thu nhập, khoảng 3.000 người có dấu hiệu kê khai không trung thực, không rõ ràng và đã được xác minh làm rõ. Trong quá trình thực hiện, đã có 88 cán bộ đã được xử lý bằng các hình thức do kê khai không trung thực, chậm kê khai và vi phạm các quy định về kê khai tài sản.

Về tác dụng của công tác này trong phòng chống tham nhũng, theo Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh thì các cơ quan có thẩm quyền đã nắm được tài sản của cán bộ công chức trong đơn vị mình để quản lý, kiểm tra; xem xét theo dõi được việc biến động tài sản của cán bộ, có tăng bất thường thì phải giải trình.

Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) đặt vấn đề trước số liệu, kết quả việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong 3 năm 2011-2013, trong đó số lượng vụ việc và người liên quan đến hành vi tham nhũng năm 2011 là nhiều nhất và giảm dần đến năm 2013. Liệu có thể kết luận tham nhũng đã bị đẩy lùi hay việc này chỉ thể hiện thực tế là khả năng phát hiện tham nhũng ngày càng hạn chế?

Trả lời chất vấn câu hỏi này, Tổng Thanh tra khẳng định: Phòng chống tham nhũng được dư luận xã hội hết sức quan tâm, chính vì vậy công tác này được coi là vấn đề trọng tâm của ngành. Nhiều nghị quyết của Đảng, đặc biệt sau khi Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi thông qua năm 2012, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư làm Trưởng ban thì việc thực thi Luật cũng như công cuộc phòng chống tham nhũng được đẩy lên cao hơn.

Theo đánh giá, tình hình công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi; tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, ngày càng tinh vi phức tạp xảy ra trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và gây bức xúc trong xã hội, đây là thách thức lớn trong lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Thêm nữa, tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, việc phát hiện xử lý chưa đạt yêu cầu như mong muốn.

Trước tình hình đó, Tổng Thanh tra Chính phủ đã đưa ra dự báo, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, tinh vi, khó phát hiện, trong đó tham nhũng nghiêm trọng chiếm tỷ lệ ngày càng lớn hơn; thiệt hại do tham nhũng gây ra thất thoát tài sản của nhà nước, doanh nghiệp còn cao nhưng xử lý thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Thêm nữa, hành vi tham nhũng có nhiều dạng khác nhau, trong đó có tham ô, hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn nhũng nhiễu… Và tham nhũng tiếp tục phát sinh ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, và trong cơ chế xin cho kiểm soát quyền lực và diễn ra trong nhiều lĩnh vực nhạy cảm. Tham nhũng vặt xảy ra thường xuyên trong việc tiếp xúc với công dân, doanh nghiệp…

“Từ đó có thể khẳng định rằng, tham nhũng vừa qua chưa được đẩy lùi, còn diễn biến tinh vi phức tạp cần phải tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ hơn” – Tổng Thanh tra nói.

Mức án 30 năm tù trong một đời người thì không phải là thấp

Liên quan đến chất vấn của đại biểu về vụ án Nguyễn Đức Kiên (còn được gọi là bầu Kiên) khi phiên tòa sơ thẩm vừa kết thúc đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đã có báo cáo giải trình thêm. Theo Chánh án Trương Hòa Bình: Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội xét xử dựa trên nguyên tắc thông qua việc tranh tụng để xem xét toàn diện tất cả các chứng cứ buộc tội cũng như gỡ tội và đối chiếu với pháp luật để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không xét xử làm oan người vô tội cũng không bỏ để lọt tội phạm. Việc xét xử đưa ra trên một bản án phải kết hợp giữa mục đích trừng trị và khoan hồng.

TAND Hà Nội xét xử cấp sơ thẩm theo nguyên tắc tuân theo pháp luật và chịu trách nhiệm các quyết định của mình. Tuy nhiên, Chánh án Trương Hòa Bình cũng giải thích rõ mức án từng tội danh của bầu Kiên mà Hội đồng xét xử tuyên đều cao hơn mức đề nghị của Viện Kiểm sát. Đây là trường hợp phạm nhiều tội và theo Bộ Luật hình sự thì mức án cao nhất là 30 năm tù.

“Mức án 30 năm tù trong một đời người thì không phải là thấp. Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn tuyên phạt bị cáo 3 lần tiền trốn thuế 75 tỷ đồng, phạt 100 triệu đồng đối với tội lừa đảo; cấm hành nghề liên quan đến hoạt động ngân hàng 5 năm. Và Hội đồng xét xử cũng khởi tố thêm 2 vụ án hình sự tại tòa và yêu cầu Viện kiểm sát xem xét trách nhiệm hình sự nhiều trường hợp khác.

“Tôi với tư cách Chánh án Tòa án tối cao phải tôn trọng quyết định của Hội đồng xét xử. Nếu như vụ án còn kháng cáo, kháng nghị thì tòa án sẽ tiếp tục xem xét trình tự phúc thẩm theo quy định của pháp luật” – Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam