Ngư dân Phước Dinh: Thi đua sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo

(NTO) Không khí ra khơi đánh bắt vụ cá Nam của ngư dân xã Phước Dinh (Thuận Nam) những ngày này khá nhộn nhịp. Bà con ở các làng biển Sơn Hải 1, Sơn Hải 2 giàu truyền thống cách mạng đang thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc bằng việc thi đua lao động, sản xuất xây dựng quê hương, đất nước.

Đồng chí Phạm Ba, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Phước Dinh là xã bãi ngang có 188 tàu, với tổng công suất 8.007CV. Xác định đánh bắt, nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn nên cấp ủy và chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn. Đội tàu của ngư dân hiện nay có bước phát triển hơn nhiều so với trước. Anh Phan Đình Trường vừa đóng tàu công suất trên 300CV, cho biết: Tôi nhiều lần ra vùng biển Nhà giàn DK1 phát hiện đàn cá lớn nhưng do tàu công suất nhỏ nên hiệu quả khai thác thấp. Suốt đời bám biển mưu sinh, tôi nhận thấy cứ sử dụng phương tiện lạc hậu đánh bắt khó mà làm giàu được nên vừa quyết định đầu tư hơn 2 tỷ đồng đóng tàu công suất 310CV. Tàu mới đóng được trang bị các phương tiện hiện đại như máy thông tin I.Com, máy định vị, máy dò cá… đảm bảo bám biển dài ngày để khai thác. Cùng anh Trường, thì các ngư dân Trần Văn Kiểng, Trần Ngọc Phú, Trần Văn Mại cũng đã đầu tư cải hoán nâng cấp tàu từ 100CV lên gần 300CV.

 
Ngư dân Phước Dinh được mùa cá vụ Nam. Ảnh: Văn Bửu

Chủ trương cải hoán, nâng cấp, đóng mới tàu đã tạo được chuyển biến tích cực trong đánh bắt. Từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác hải sản các loại đạt 2.322 tấn, vượt 22 tấn so với cùng kỳ, đạt gần 50% kế hoạch năm; riêng trong tháng 5, khai thác được 97 tấn. Để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả đánh bắt trong vụ cá Nam, địa phương vừa củng cố 2 Tổ đoàn kết khai thác trên biển, phát triển thêm 2 tàu hậụ cần, nâng số tàu hậu cần lên 3 chiếc đảm bảo hoạt động khép kín từ khâu cung ứng hậu cần, khai thác, thu mua trực tiếp trên biển. Ngư dân Phạm Đình Trường làm dịch vụ hậu cần trên biển, cho biết: Hai chiếc tàu mới đóng của tôi có tổng công suất trên 600 CV đảm bảo cung cấp đầy đủ xăng dầu, đá lạnh, lương thực và thu mua hải sản cho 9 chiếc tàu của 2 Tổ đoàn kết khai thác dài ngày trên biển.

Không chỉ đánh bắt hải sản, người dân Phước Dinh cũng đang khai thác vùng mặt nước ven biển để nuôi trồng rong sụn, nâng cao thu nhập. Hiện toàn xã có 167 hộ trồng rong sụn, với diện tích hàng trăm ha. Thực tế cho thấy, rong sụn từ cây “xóa đói, giảm nghèo” đến nay đã trở thành “cây làm giàu” của nhiều người. Tại địa phương ngày càng xuất hiện nhiều hộ trồng rong sụn trên quy mô lớn, bằng phương pháp mới, mỗi vụ thu về hàng trăm triệu đồng như anh Đoàn Văn Dành, Đoàn Văn Tư ở thôn Sơn Hải 2. Vụ rong sụn này (từ tháng 4 đến tháng 9) là vụ phụ trong năm nhưng chưa có hộ nào “bỏ biển”. Thời điểm hiện nay, các hộ đã lấy hàng chục tấn giống từ Cam Ranh (Khánh Hòa) về sản xuất. Trồng rong sụn quả là nghề “làm chơi ăn thật” bởi vùng biển Phước Dinh gió thổi thường xuyên, nước chảy liên hồi rất thích hợp cho rong phát triển. Chị Phạm Thị Liễu ở thôn Sơn Hải 2 nhờ trồng rong sụn mà thoát nghèo, tâm sự: Tôi vừa mới lấy 5 tạ rong giống về trồng. Rong ở khu vực này phát triển rất nhanh, sau 1 tháng thả trồng là thu hoạch lai rai được. Nhờ trồng rong sụn tôi có điều kiện trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học.

Về xã Phước Dinh chứng kiến ngư dân khai thác lợi thế biển để phát triển kinh tế mới thấy được giá trị của chủ quyền biển, đảo. Những bãi cát ven biển gió bụi mù mịt ngày nào nay đã được quy hoạch thành những vùng nuôi tôm theo công nghệ mới. Bà con liên kết thực hiện mô hình nuôi tôm sạch trên quy mô lớn đạt hiệu quả cao. Từ đầu năm đến nay, các hộ nuôi thả 243 ha tôm thẻ chăn trắng, trong đó có 151 ha đã thu hoạch được 1.346 tấn. Đồng chí Phạm Ba, chia sẻ: Khi Biển Đông “dậy sóng” mỗi người dân Việt Nam thể hiện lòng yêu nước bằng cách riêng của mình, đối với ngư dân Phước Dinh thi đua lao động, sản xuất, làm giàu chính đáng cũng là góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.