Kể từ đầu tháng 4, khi tất cả các tỉnh, thành trong cả nước ra quân kiểm tra tải trọng xe, thì giá một số hàng hóa cũng tăng theo. Trên địa bàn tỉnh ta, kể từ khi việc cân xe quá tải trên địa bàn được siết chặt, giá cước vận tải đã tăng từ 60 - 100% so với trước. Một số mặt hàng tiêu dùng có yếu tố chịu cước vận tải theo đó đã tăng đáng kể. Trong đó, chịu áp lực tăng nhiều nhất là các loại vật liệu xây dựng (VLXD) như xi măng, sắt, thép, gạch ốp lát...
Qua tìm hiểu được biết, giá cước vận tải xi măng Kim Đỉnh (từ Thuận Bắc về Phan Rang) trước chỉ 85 ngàn/tấn nay tăng lên 250 ngàn/tấn. Gạch xây dựng vận chuyển từ Bình Thuận về trước đây có giá 160 ngàn/tấn thì nay tăng 350 ngàn/tấn. Gạch lát nền tăng bình quân 10.000đ/m2. Một số vật liệu khác vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về trước có giá vận chuyển 300-320 ngàn/tấn nhưng nay lên đến 1 triệu đồng/tấn.
Vật liệu xây dựng bị hạ tải tại Trạm cân tải trọng lưu động
Chủ Cửa hàng VLXD Hùng Ý (TP. Phan Rang-Tháp Chàm) cho rằng: VLXD chủ yếu có trọng lượng lớn. Trước đây xe 5 tấn vẫn “chất” được gần 10 tấn hàng, nhưng nay theo đúng trọng tải phải chia làm hai lần chở. Như vậy, quãng đường và thời gian đều phải gấp đôi. Chưa kể giá đầu vào do nhà cung cấp thông báo tăng thì các đại lý cũng phải tăng giá lên theo.
Mức tăng giá cước vận tải, không chỉ tác động đến các doanh nghiệp mà trực tiếp ảnh hưởng tới cả người sản xuất. Trong đó có diêm dân tại tỉnh ta. Nếu như trước đây giá vận chuyển muối từ Ninh Hải đi Cảng Cam Ranh chỉ khoảng 150 ngàn đồng/tấn thì nay giá tăng lên 350 ngàn đồng/tấn. Đối với chiều đi vào TP. Hồ Chí Minh trước chỉ ở mức 270 ngàn/tấn, thì nay tăng lên 600 ngàn/tấn. Thu mua giảm sút, theo đó giá muối diêm dân liên tục hạ. Đầu năm muối có giá trên 1 triệu đồng/tấn nay hạ xuống chỉ có 550 ngàn/tấn nhưng vẫn “kén” người mua.
Ông Nguyễn Sơn, ở xã Tri Hải, huyện Ninh Hải cho rằng: Giá cước vận chuyển tăng, nhưng giá muối nhập cho nhà máy lại không tăng do hợp đồng đã ký từ trước nên đơn vị thu mua chỉ còn nước ép giá xuống đối với diêm dân. Như vậy người dân vẫn là đối tượng chịu thiệt nhất khi siết chặt tải trọng xe.
Cũng như diêm dân, người trồng lúa mặc dù được mùa nhưng không mấy vui khi mọi chi phí sản xuất như phân, giống… đều tăng giá, riêng giá lúa lại hạ xuống cũng vì lý do cước vận tải tăng. Nông dân Võ Đức, ở xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc cho biết: Trước vụ thu hoạch, lúa khô có giá 6.300đ/kg, nay chỉ còn 5.200đ/kg. Giá lúa thấp nhưng vẫn phải bán vì không có chỗ cất trữ bảo quản, phần không có vốn để sản xuất và trả lãi đã vay từ đầu vụ.
Được mùa nhưng lúa tươi thu mua tại ruộng ở xã Bắc Phong (Thuận Bắc) chỉ có giá 4.300đồng/kg
Lý giải cho việc “điều chỉnh” giá lần này nhiều người cho rằng, trước đây các phương tiện vận tải đều chở vượt tải trọng nên giá cước vận tải rẻ. Nay siết chặt tải trọng, các doanh nghiệp buộc phải tính toán điều chỉnh tăng giá nếu không khó duy trì hoạt động. Giá cước vận tải tuy có điều chỉnh nhưng đây mới đúng là giá trị thực của nó.
Thiết nghĩ, việc tăng giá cước vận tải trong điều kiện siết chặt trọng tải xe là điều tất yếu, nhưng tăng ở mức nào và đảm bảo không gây xáo trộn thị trường, tạo sự thiệt thòi đối với người tiêu dùng và sản xuất là việc đòi hỏi ngành chức năng cần phải vào cuộc, có sự quản lý, giám sát chặt chẽ.
Anh Tuấn