Công ước Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em năm 1990 có nêu rõ “để phát triển đầy đủ và hài hoà nhân cách của mình, trẻ em cần được lớn lên trên môi trường gia đình, trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và cảm thông”. Thế nhưng, thực tế còn nhiều trẻ em lang thang, cơ nhỡ, không được nhận sự yêu thương, đùm bọc của gia đình.
Ảnh: Văn Miên
Có những đứa trẻ hạnh phúc hơn khi được sống dưới mái ấm gia đình nhưng lại trở nên bất hạnh khi không được thụ hưởng sự giáo dục đúng đắn từ cha mẹ, người thân. Nhiều quan điểm giáo dục sai lầm mà phụ huynh áp dụng cho con trẻ như lấy vật chất để thể hiện tình yêu, nhồi nhét quá nhiều kiến thức cho con trẻ thay vì dạy chúng phương pháp để tiếp cận vấn đề, cho trẻ tiếp xúc với quá nhiều thứ văn hóa không phù hợp với lứa tuổi, dùng đòn roi để giáo dục trẻ… vô tình đã hình thành ở trẻ những giá trị về nhân cách không chuẩn mực.
“Trẻ em là đóa hoa tự nhiên và thuần khiết của nhân loại”. Quả vậy, bất kể những lời nói, hành động của người lớn đều có thể tác động tới nhận thức, lời nói và hành động của trẻ em. Nhiều bậc phụ huynh để những lời nói thiếu văn hóa và hành xử xấu của mình đi vào thế giới trẻ thơ, đồng nghĩa với việc đang hủy hoại dần nhân cách của một con người ngay từ khi chúng còn là một đứa trẻ. Mọi lời khuyên răn, phê phán của cha mẹ tới con trẻ không thể tác động mạnh bằng việc mỗi cha mẹ luôn nỗ lực, phấn đấu là những tấm gương sáng cho con trẻ noi theo một cách rất tự nhiên, không khiên cưỡng. Triết gia người Pháp Bertrand Russell đã từng phát biểu đại ý rằng: Một đứa trẻ sống trong sự nhạo báng sẽ trở nên nhút nhát, sống trong sự đối địch sẽ trở nên hằn học với mọi người, sống bằng lẽ phải sẽ biết lẽ công bằng, sống trong sự đùm bọc sẽ biết quan tâm mọi người, sống trong tri thức sẽ học được sự khôn ngoan. Một đứa trẻ được hưởng sự nhẫn nại sẽ trở nên khoan dung. Một đứa trẻ sống trong hạnh phúc sẽ tìm được tình yêu và cái đẹp… Như vậy, cách đối xử của người lớn đối với trẻ em ảnh hưởng chủ đạo tới việc hình thành tính cách, đạo đức của mỗi đứa trẻ. Vậy nên, dành mọi điều tốt đẹp nhất cho trẻ không ngoại trừ việc mỗi người lớn chúng ta cần phải học cách tự hoàn thiện bản thân, để là những tấm gương sáng cho con trẻ soi chiếu.
Các cháu thiếu nhi vui chơi.
Hiện nay, ngày càng có nhiều các công trình phúc lợi xã hội, các trung tâm vui chơi giải trí phục vụ trẻ em, nhiều cá nhân, tổ chức thu nhận trẻ em lang thang, cơ nhỡ về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em có điều kiện học tập, phát triển và hòa nhập với cuộc sống… Đây là những hành động thiết thực thể hiện sự quan tâm và nỗ lực của xã hội vì sự phát triển tốt đẹp của trẻ thơ.
Tháng 6 - Tháng Hành động vì trẻ em hằng năm cũng là dịp để các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội nhìn nhận lại những gì đã đóng góp cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đối với sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước, của “thế giới ngày mai”.
Nguyễn Tuyến