Đoàn kết đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa

(NTO) Cảng cá Cà Ná, huyện Thuận Nam là nơi có số lượng tàu, thuyền công suất lớn nhiều nhất ở tỉnh ta với 600 tàu công suất trên 90 CV và khoảng 7.000 lao động có kinh nghiệm đánh bắt xa bờ. Tại thời điểm này, cảng Cà Ná có trên 20 tàu đã sẵn sàng ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa để khai thác dài ngày để bám biển, khẳng định và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Phan Quang Loan, ngư dân ở xã Cà Ná cho biết: Ngay khi địa phương thông báo có chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển khai thác tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa các tổ đoàn kết hoạt động cùng ngành nghề đã liên kết lại thành đội gồm nhiều tàu để cùng nhau ra khơi.

Thuyền nghề ngư dân Ninh Hải. Ảnh: CTV

Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, toàn tỉnh hiện có 69 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển với 304 tàu. Trong đó, huyện Thuận Nam có số lượng tổ đội đoàn kết đông đảo nhất với 42 tổ, 180 tàu. Riêng xã Phước Diêm đã có 30 tổ với 130 tàu công suất lớn. Huyện Ninh Hải có 20 tổ đoàn kết với 80 tàu thường xuyên phối hợp đánh bắt trên biển. Từ khi có thông tin về việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép tại Thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngư dân trong tỉnh càng tỏ rõ quyết tâm đoàn kết cùng ra khơi. Nếu như trước đây việc đánh bắt trên biển, nhất là tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, DK1 chỉ một số ít tàu trong tỉnh tham gia, thì nay các tổ đoàn kết có xu thế gắn kết lại thành đội (gồm nhiều tổ) để cùng vươn khơi bám biển. Bước đầu đã hình thành các đội đánh bắt theo nghề và theo địa phương như: Đội lưới cản ở xã Thanh Hải, Đội lưới rê ở Mỹ Đông, Đội pha xúc ở Cà Ná-Phước Diêm, Đội lưới vây rút chì ở Tri Hải. Một số tổ đoàn kết ở Mỹ Đông đã liên kết với tổ đoàn kết ở Mỹ Tân để cùng tham gia chuyến biển dài ngày hơn.

Ông Lê Hồng Phong, Trưởng phòng Quản lý Khai thác nguồn lợi và môi trường thủy sản-Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết: Liên kết trên biển ngày càng khẳng định tính hiệu quả, bởi đây là sự liên kết tự nguyện giữa những ngư dân có sự gần gũi với nhau về quan hệ, ngành nghề khai thác để cùng phối hợp chia sẻ thông tin ngư trường, trao đổi kinh nghiệm hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt trên biển. Khi gặp tai nạn, rủi ro, khó khăn trong quá trình đánh bắt thì cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau vượt khó… Mặt khác các tổ đoàn kết đã giúp ngư dân giảm chi phí về nhiên liệu, tăng thời gian bám biển, nâng cao hiệu quả khai thác, tăng thu nhập cho chủ tàu và người lao động. Đội ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển cũng tích cực góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân.

Nhằm tạo điều kiện để các tổ đội đoàn kết phát huy hiệu quả, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh đã vận động, tuyên truyền các tàu tăng cường liên kết, đăng ký đánh bắt vùng biển xa, kết hợp thực hiện chính sách hỗ trợ dầu khi kết thúc chuyến biển; cung cấp thông tin ngư trường trực tiếp cho các tổ trưởng. Hiện các địa phương và ngành Thủy sản đang tiếp tục vận động thành lập đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua hải sản và cung cấp nhiên liệu trên biển để các tàu bám ngư trường được lâu hơn, tiết kiệm nhiên liệu vừa đảm bảo chất lượng và giá trị hải sản; tiến tới thành lập Nghiệp đoàn nghề cá để phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, có thêm nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân đoàn kết đánh bắt trên biển.