Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, chiều 28-5, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). (Ảnh: dangcongsan.vn)

Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, một số quy định trong Dự thảo luật có thể dẫn đến việc tái diễn tình trạng quá tải như trước khi có Luật công chứng năm 2006.

Đại biểu Điệu Huỳnh San (đoàn Bình Phước) băn khoăn về giá trị pháp lý của văn bản công chứng. Đại biểu Điệu Huỳnh San cho rằng, qua thực tế và qua tiếp xúc thì rất nhiều cử tri băn khoăn về giá trị pháp lý của văn bản công chứng. Theo quy định thì những hồ sơ, giấy tờ, hợp đồng giao dịch khi đã qua công chứng thì văn bản công chứng đó có giá trị về mặt pháp lý. Nhưng các hợp đồng hồ sơ giao dịch được quy định tản mát tại các văn bản luật và văn bản dưới luật khác nhau gây khó khăn, tốn kém về thời gian và tiền bạc cho người dân khi thực hiện các hợp đồng giao dịch, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Hiện nay, phạm vi công chứng còn hẹp, chưa tạo điều kiện người dân tiếp cận nên việc mở rộng phạm vi thẩm quyền của công chứng viên được chứng nhận bản dịch giấy tờ và phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, tính hợp pháp của giấy tờ được dịch như trong dự thảo luật là cần thiết, nhưng cần có những quy định để nâng cao hơn nữa chất lượng của các đơn vị hành nghề công chứng.

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận), dự thảo Luật công chứng không nên mở một cách nửa vời theo hướng chỉ cho phép công chứng viên thực hiện các bản sao và chữ ký có liên quan đến hợp đồng giao dịch mà mình đã và đang thực hiện. Quy định như vậy sẽ không giải quyết triệt để vấn đề còn vướng mắc liên quan đến chứng thực bản sao trong thời gian qua.

Cũng vấn đề này, đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, văn phòng công chứng được đầu tư bằng tiền túi của cá nhân, thực chất cũng là một loại doanh nghiệp, do đó dù quy định hay không thì hoạt động của văn phòng công chứng vẫn phải có lợi nhuận. Quy định “không vì mục đích lơi nhuận” trong luật là không khả thi. Đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị một mặt trao cho công chứng viên các văn phòng công chứng được chứng thực các loại giấy tờ; mặt khác vẫn để chính quyền cấp xã chứng thực như hiện nay để người dân có lựa chọn thuận tiện nhất. Về trách nhiệm khi công chứng bản dịch, quy định công chứng viên phải chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch là không phù hợp với thực tế, không phù hợp với khả năng, trình độ của công chứng viên. Thay vào đó, Luật nên quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, trách nhiệm của người dịch.

Đồng tình với nôi dung cho phép chuyển nhượng văn phòng công chứng, song đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) kiến nghị, để ngăn ngừa lập văn phòng công chứng chỉ để bán như một kiểu “bán bằng”, dự Luật nên quy định sau khi thành lập ít nhất 2 năm mới được chuyển nhượng văn phòng công chứng. Về tuổi hành nghề tối đa của công chứng viên, đại biểu Tô Văn Tám nhất trí nên quy định là 65 tuổi như dự thảo.

Nhấn mạnh yêu cầu tiến tới một mô hình thống nhất trong hoạt động công chứng, đại biểu Nguyễn Văn Bình (đoàn Hải Phòng) cho rằng, cần đưa vào Luật lộ trình chuyển đổi, thời hạn bắt buộc chuyển các phòng công chứng (của nhà nước) sang mô hình văn phòng công chứng; đồng thời quy định chế độ tài chính thống nhất cho phòng và văn phòng công chứng.

Đại biểu Nguyễn Văn Bình cũng quan tâm đến quy định về trách nhiệm bồi thường nhà nước của công chứng viên phòng công chứng với trách nhiệm bồi thường dân sự của công chứng viên văn phòng công chứng; gắn liền với đó là trách nhiệm mua bảo hiểm nghề nghiệp của công chứng viên. Thay vì bắt buộc mua bảo hiểm thường xuyên (mà theo đại biểu là không cần thiết trong nhiều trường hợp), dự thảo nên quy định mua bảo hiểm cho từng vụ việc, tính theo% giá trị hợp đồng, cụ thể hóa hơn nữa trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng…

Có ý kiến cho rằng, cần quy định tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng được lập bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, văn bản công chứng chỉ sử dụng tiếng Việt như trong dự thảo luật vì không phải công chứng viên nào cũng biết tiếng nước ngoài, dễ dẫn đến sai sót; Đề nghị bổ sung vào khoản 2 điều 7 quy định cấm tổ chức cá nhân có liên quan đến lĩnh vực công chứng định hướng, chỉ định các tổ chức hoặc công chứng viên thực hiện công chứng các hợp đồng giao dịch nhằm tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các văn phòng công chứng.

Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp này.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam