Để tìm hiểu về mặt lợi ích của XKLĐ, chúng tôi về thôn Trà Co 2, xã Phước Tiến tìm gặp gia đình chị Katơ Thị Oanh. Từng là phụ nữ nghèo phải một mình nuôi hai con nhỏ, cuộc sống của chị trước đây vô cùng chật vật. Hưởng lợi từ chính sách ưu đãi của Nhà nước về XKLĐ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2011, chị mạnh dạn đăng ký sang làm việc có thời hạn tại Malaysia.
Cán bộ phụ trách Lao động – Việc làm đến tư vấn tận nhà
cho người dân thôn Chà Đung (xã Phước Thắng).
Em ruột của chị Oanh là chị Katơ Thị Úi bộc bạch: Chị gái mình làm công nhân đóng đồ hộp cho một công ty thực phẩm. Công việc cũng dễ lắm, giờ mức lương ổn định với 10 triệu đồng/ tháng. Trong vòng một năm đi xuất khẩu, chị ấy đã trả hết 24 triệu đồng vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội và 20 triệu đồng tiền mua bò. Không chỉ thoát ly khỏi cái nghèo, chị còn dành dụm được khoản tiền kha khá, tạo vốn liếng làm ăn sau khi trở về. Katơ Thị Oanh là một trong số 83 LĐ của huyện Bác Ái đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở thị trường Malaysia. Môi trường làm việc phù hợp điều kiện sức khoẻ, trình độ của LĐ địa phương, mức thu nhập trung bình 6 – 9 triệu đồng mỗi tháng. Thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH huyện Bác Ái, đến nay, 74 người tham gia XKLĐ đã gửi về nước tổng số tiền 1,8 tỷ đồng và 5.006 USD, trong đó 33 người trả hết nợ ngân hàng. Cùng với cơ hội việc làm, nguồn thu nhập ổn định, người dân đi XKLĐ còn hưởng nhiều chính sách ưu đãi theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ như được tạo điều kiện vay vốn, học nghề, giao tiếp, được hỗ trợ phí ăn ở, vé tàu xe đi lại, chi phí thủ tục xuất cảnh và hỗ trợ rủi ro. Tuy nhiên, trong thực tế, số LĐ đi xuất khẩu hàng năm của huyện Bác Ái lại thực sự khiêm tốn so với nguồn nhân lực dồi dào trong độ tuổi LĐ. Năm 2013, trong 10 người đăng ký tham gia chương trình, chỉ có 2 người đi XKLĐ như đã nêu phần đầu.
Trao đổi vấn đề này, ông Bùi Quốc Việt, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết, hiện nay chất lượng, kỹ năng LĐ của người dân địa phương còn thấp và thiếu các tiêu chuẩn theo yêu cầu của thị trường lao động nước ngoài… Mặt khác, xuất phát từ phong tục tập quán, bà con vốn quen cuộc sống tự do, tâm lý e dè và ngại đi làm ăn xa. Ngoài ra, nguyên nhân còn do một số địa phương vẫn xem nhẹ công tác XKLĐ, chưa có sự phối hợp trong việc vận động, tuyên truyền cho người LĐ hiểu rõ cơ chế chính sách. Nhằm tháo gỡ khó khăn hiện nay, huyện Bác Ái tăng cường chỉ đạo các ngành, chính quyền các xã, phối hợp chặt chẽ với hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác XKLĐ ở cơ sở. Theo đó phải đa dạng hình thức tuyên truyền giúp người dân hiểu biết đúng đắn về các chính sách lao động, việc làm; vận động, tư vấn trực tiếp tại các thôn xóm, trong đó sử dụng những LĐ đã hết hạn hợp đồng về nước tham gia tư vấn. Để có cơ sở tuyên truyền sát thực tế, ngành chức năng phối hợp đơn vị tuyển chọn LĐ cung cấp thông tin đầy đủ về thị trường cũng như thông tin về LĐ địa phương đang làm việc ở nước ngoài… Có như vậy, người dân mới an tâm, tin tưởng đi XKLĐ, tiếp cận cơ hội việc làm, giúp họ ổn định thu nhập và nâng cao đời sống.
Trang Nhung