Được thành lập từ tháng 7-2012, lúc đầu thị trấn Khánh Hải có 4 Tổ ĐKKTHS trên biển với 12 chiếc tàu công suất từ 90CV trở lên. Đa số những thuyền này đều sử dụng vây rút chì nên phạm vi hoạt động đánh bắt chủ yếu ở các vùng biển ở Khánh Hòa, Bình Thuận...Mỗi tổ có 3 đến 5 tàu thành viên, mỗi tàu có từ 5 đến 12 thuyền viên (tùy theo công suất của tàu thuyền). Các thành viên trong tổ có thể là thành viên trong gia đình, họ hàng hoặc bạn bè thân thiết, cùng nhau tình nguyện hợp tác làm ăn. Mỗi tàu trong tổ đều được trang bị khá hiện đại, như: máy tầm ngư, máy định vị, bộ đàm liên lạc…Với những thiết bị này, khi tàu thuyền nào dò tìm được cá hay gặp sự cố trên biển, các tổ viên có thể liên lạc chặt chẽ với nhau để chia sẻ hoặc giúp đỡ nhau kịp thời. Hoạt động theo mô hình Tổ ĐKKTHS trên biển còn giải quyết được vấn đề khó khăn về hậu cần trước đây, nhờ phân công tàu thuyền chở hải sản khai thác được về đất liền tiêu thụ và tiếp tế nhiên liệu cho các tàu thuyền ở lại bám biển. Thực tế cho thấy, từ khi đi vào hoạt động, các Tổ ĐKKTHS trên biển của thị trấn Khánh Hải đã nâng cao sản lượng đánh bắt hải sản rõ rệt, đặc biệt là ngư dân đoàn kết gắn bó, hỗ trợ nhau cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhận thấy hiệu quả thiết thực, hiện nay nhiều ngư dân ở thị trấn Khánh Hải đã tự nguyện tham gia, thành lập thêm các Tổ ĐKKTHS trên biển. Đến nay, toàn thị trấn có 7 tổ ĐKKTHS với 27 tàu thuyền.
Anh Trần Ngọc Bông, Tổ trưởng tổ ĐKKTHS số 5 chia sẻ: Tổ tôi có 5 tổ viên, tham gia từ tháng 10-2013. Trước đây, thuyền của gia đình đánh bắt riêng lẻ, dài ngày trên biển sản lượng khai thác thấp, rủi ro rất cao. Từ khi tham gia vào Tổ ĐKKTHS, nhờ hỗ trợ nhau mọi mặt, đã góp phần giảm chi phí nhiên liệu, hiệu quả khai thác hải sản cũng cao hơn trước rất nhiều.
Với tình hình phức tạp ở biển Đông như hiện nay, vai trò của các Tổ ĐKKTHS trên biển ngày càng trở nên quan trọng hơn bởi ngư dân không chỉ đoàn kết, giúp nhau khai thác hải sản mà còn nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc tham gia bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo. Các tổ thường xuyên liên lạc với các đồn Biên phòng, cung cấp thông tin tình hình trên biển kịp thời, chính xác, giúp các đơn vị xử lý hiệu quả các trường hợp vi phạm pháp luật và chủ quyền biển đảo. Là một trong những tổ viên có tàu công suất lớn (360CV), anh Trần Văn Hiền, Tổ phó Tổ ĐKKTHS số 1 bức xúc: Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 và đưa các tàu thuyền vào lãnh hải nước ta, liên tục tấn công các tàu cá của ngư dân nên chúng tôi rất căm phẫn. Tuy nhiên, không vì vậy mà anh em chúng tôi giảm sút ý chí, ngược lại còn là động lực càng thúc đẩy ngư dân chúng tôi không ngừng vươn khơi bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc, sẵn sàng tham gia khi có sự điều động của lực lượng chức năng.
Ông Lê Tâm Trí, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Khánh Hải cho biết: Mô hình Tổ ĐKKTHS trên biển của thị trấn hoạt động rất hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng khai thác hải sản của địa phương và cải thiện đáng kể đời sống của ngư dân. Với kết quả trên, chính quyền các cấp không ngừng khuyến khích và hỗ trợ ngư dân tiếp tục đầu tư cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất lớn để thành lập thêm các Tổ ĐKKTHS nhằm xây dựng nghề khai thác hải sản bền vững tại địa phương. Trước diễn biến phức tạp trên biển Đông, thị trấn và các ngành chức năng của huyện đang tăng cường công tác tuyên truyền để ngư dân yên tâm, đồng thời tổ chức các tàu thuyền trong các Tổ ĐKKTHS có công suất từ 300 CV trở lên tham gia vào Đội tàu thuyền, sẵn sàng lên đường ra đảo xa đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Hoàng Hải