“Trò vui” nguy hiểm
Sau hơn 1 năm xảy ra tai nạn đuối nước làm 6 em học sinh của Trường THCS Huỳnh Phước (xã Phước Hữu, Ninh Phước) tử vong, nỗi kinh hoàng vẫn chưa nguôi trong lòng thầy và trò nơi đây. Thầy Quảng Đại Lê, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau sự việc thương tâm năm ngoái, nhà trường thường xuyên nhắc nhở các em học sinh trong giờ chào cờ và sinh hoạt lớp. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm các lớp chú ý nắm bắt tình hình, phản ảnh từ phía học sinh để tránh xảy ra tai nạn thương tích nói chung và đuối nước nói riêng.
Cho trẻ học bơi để tránh tai nạn đuối nước. Ảnh: Bảo Bình
Trong buổi chiều mưa lất phất, không ít người dân tỏ ra ái ngại khi chúng tôi hỏi đường đến đập tràn La Chử, nơi xảy ra vụ tai nạn vào giữa tháng 4 năm 2013. Nơi đây đã được lắp đặt biển thông báo nguy hiểm. Anh Tăng Sơn, một người dân gần khu vực này cho biết: Sau tai nạn, không có bất cứ em nhỏ nào đến đây tắm nữa. Những người lớn khi đi ngang đây cũng luôn thận trọng.
Thực tế việc tắm sông, mương, ao, hồ vẫn là “sở thích” của nhiều em học sinh. Dọc kênh Nam (thường gọi là mương Nhựt), trẻ em các xã Phước Vinh, Phước Thái, Phước Hữu, thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước) vẫn thường xuyên tụ tập tắm mát. Chưa nói đến vấn đề vệ sinh nguồn nước và phòng bệnh, việc các em tắm ở kênh mương như thế đã không đảm bảo an toàn. Mặc khác, trong lúc tắm, với tính cách nghịch ngợm, không lường hết được các mối nguy hiểm nên các em thường đùa giỡn, lôi kéo, nhấn nhau xuống nước... Một số em vì sợ gia đình phát hiện mà rủ nhau đến những nơi vắng vẻ, ít người qua lại để tắm, đùa nghịch nên khi xảy ra sự cố người lớn không thể ứng cứu kịp thời.
Ghi nhận tại bãi biển Bình Sơn – Ninh Chử (Tp.Phan Rang – Tháp Chàm) cũng cho thấy, lượng trẻ em tắm biển khá đông. Trong đó, chỉ những em nhỏ dưới 10 tuổi mới có phụ huynh đi kèm. Còn lại, đa số các em học sinh cấp 2, 3 thường đi tắm theo nhóm, lại ít sử dụng phao bơi. Sự đông đúc, tấp nập ở bãi tắm biển khiến các em dễ bị “lạc” mất bạn mà không hay biết.
Cách ly trẻ em với sông, suối, ao, hồ chỉ là biện pháp nhất thời và không đảm bảo an toàn. Việc cần làm hơn là trang bị cho các em kỹ năng bơi lội để có thể xử lý tốt các tình huống. Tuy nhiên, cho trẻ học bơi là việc làm nằm ngoài “tầm với” của các trường học và vẫn còn là chuyện khó với nhiều gia đình.
Học bơi không dễ
Bơi lội không chỉ giúp rèn luyện thể chất mà còn là “chiếc phao” cần trang bị cho trẻ. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh chỉ có duy nhất hồ bơi Thủy Nguyên (phường Phước Mỹ, Tp.Phan Rang - Tháp Chàm) nhận dạy bơi. Anh Nguyễn Văn An, nhân viên cứu hộ và dạy bơi cho biết: Hồ bơi Thủy Nguyên nhận dạy học viên thường xuyên. Giá cho mỗi khóa học (1 tháng) từ 300.000- 500.000 đồng. Số lượng đăng ký học bơi vào mùa hè thường tăng so với các thời điểm khác trong năm. Chỉ khoảng một nửa trong số đó là trẻ em. Hiện tại, chúng tôi đang dạy bơi cho khoảng 30 học viên cả lớn và nhỏ.
Việc học bơi mất từ 5 – 10 buổi tập dưới sự hướng dẫn của người có chuyên môn. Với những trẻ “nhát nước” hoặc từng trải qua chấn thương tâm lý do suýt đuối nước,… thời gian học có thể kéo dài hơn bình thường. Trẻ em lớp 1 đã có thể học bơi, độ tuổi thích hợp nhất là từ 8 – 10 tuổi. Không những học bơi, các em còn học cách để nổi trên mặt nước rất lâu mà không cần cử động.
Anh Nguyễn Huy Bắc (p.Văn Hải, Tp.Phan Rang – Tháp Chàm), sinh viên vừa tốt nghiệp Khoa giáo dục thể chất (Đại học Huế), nhận dạy kèm bơi cho các đối tượng có nhu cầu học. Để có địa điểm dạy, anh phải đăng ký vé bơi tại hồ Thủy Nguyên, với giá 20.000 đồng/vé trẻ em và 25.000 đồng/vé người lớn cho mỗi buổi học. Qua thực tế dạy kèm gần 3 tháng, anh cho biết: Học phí mỗi khóa học còn khá cao nên đa số những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả mới cho con đi học bơi. Còn khi liên hệ dạy bơi cho học sinh các trường, ban giám hiệu tỏ ra không mặn mà lắm.
Thực tế, điều kiện cơ sở vật chất của các trường trong tỉnh chưa đủ để đưa môn bơi lội vào chương trình giáo dục thể chất. Ngay những khóa dạy bơi cho các em vào dịp hè cũng trở nên “bất khả thi” vì lý do kinh phí và địa điểm học.
Bảo Bình – Nguyễn Hiền