Các TCCSĐ đã phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn, miền núi đang từng bước được củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, trong đó đáng nói là công tác phát triển đảng viên được quan tâm thực hiện hiệu quả. Đến nay 100% thôn đều có đảng viên và giảm đáng kể tình trạng thôn sinh hoạt chi bộ ghép.
Cán bộ UBND xã Phước Thành (Bác Ái) hướng dẫn công dân làm hồ sơ.
Ảnh: Thanh Long
Nếu năm 2012, các TCCSĐ nông thôn, miền núi kết nạp 293 đảng viên mới, vượt 43 đảng viên so với kế hoạch thì trong năm 2013 đã kết nạp 306 đảng viên mới, vượt 56 đảng viên so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Việc quan tâm phát triển đảng viên ở khu dân cư thuộc các xã nông thôn, miền núi đã góp phần xóa 30 thôn sinh hoạt chi bộ ghép và xóa 2 thôn trắng đảng viên. Qua phân tích, nhiều đảng bộ đã làm tốt công tác kết nạp đảng viên đúng theo yêu cầu cơ cấu, điển hình như Đảng bộ huyện Ninh Hải. Đồng chí Nguyễn Thành Tâm, Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Ninh Hải khẳng định: “Không chỉ kết nạp đảng vượt chỉ tiêu tỉnh giao, mà Ninh Hải còn tập trung phát triển đảng viên phần lớn trong lực lượng dân quân, trong đội ngũ cán bộ thôn, khu phố, thanh niên địa phương hoặc các vị trí cán bộ trọng yếu trong hệ thống chính trị”. Trong tổng số 47 đảng bộ xã nông thôn và miền núi, chiếm tỷ lệ 10,2% tổng số TCCSĐ trong toàn Đảng bộ tỉnh, hiện đã có 490 chi bộ trực thuộc, tăng 23 chi bộ so với năm 2012.
Trong công tác xây dựng TCCSĐ trong sạch vững mạnh, điểm nhấn đáng chú ý là các TCCSĐ ở nông thôn, miền núi đã gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Kết quả so với năm 2011 đã giảm được 1 TCCSĐ yếu kém. Có thể nói nhờ làm tốt công tác phát triển đảng viên ở nông thôn, miền núi, các cấp ủy Đảng đã có điều kiện thuận lợi hơn trong công tác tổ chức cán bộ. Toàn tỉnh hiện có 512 cán bộ chuyên trách (trong đó 91,02% là ĐV) và 556 công chức cấp xã (50,90% là ĐV). Chuyển biến thấy rõ là cán bộ trẻ được đào tạo đạt chuẩn đang dần thay thế cán bộ chưa đạt chuẩn, số sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác tại xã miền núi theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đã dần thể hiện vai trò tích cực trong việc giúp các xã nghèo phát triển kinh tế-xã hội. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Mẫu Thái Phương, Phó Bí thư Huyện ủy Bác Ái cho biết: “So với những năm trước, chất lượng đội ngũ đã được nâng lên, có cơ cấu phù hợp mang tính đặc trưng vùng dân tộc thiểu số, góp phần tạo chuyển biến tiến bộ ở nhiều TCCSĐ của Đảng bộ huyện Bác Ái”. Trong toàn tỉnh, cùng với xây dựng, củng cố tổ chức, các TCCSĐ ở nông thôn, miền núi còn tập trung thực hiện các tiêu chí nông thôn mới đạt kết quả bước đầu. Qua nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp, các xã đã đảm bảo được đời sống nhân dân, đổi mới diện mạo nông thôn, miền núi và phát huy dân chủ cơ sở.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được của các TCCSĐ nông thôn, miền núi, thì công tác phát triển đảng viên mới vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh hiện vẫn còn 10 chi bộ thôn sinh hoạt ghép, một số chức danh trưởng thôn, chi hội trưởng Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh chưa là đảng viên. Để khắc phục, kinh nghiệm được rút ra là chi ủy và bí thư chi bộ phải gương mẫu, phải làm tốt công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên, tập trung vào những đối tượng là đoàn viên thanh niên có triển vọng và có điều kiện gắn bó với địa phương.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp 297 ĐV, đạt 39,6% kế hoạch năm, trong đó riêng huyện Ninh Hải đã kết nạp được 52 ĐV (đạt gần 55% chỉ tiêu năm nay) với 40% là đảng viên phát triển trên địa bàn dân cư. Tuy tiến độ kết nạp đảng viên còn chậm, nhưng qua đó cho thấy các huyện, thành phố đang tăng cường công tác phát triển đảng viên, chú trọng kết nạp quần chúng ưu tú trong lực lượng dân quân, đoàn viên, hội viên ưu tú trong các đoàn thể, cán bộ hoạt động trên địa bàn dân cư và cán bộ ban quản lý thôn. Tin rằng bằng những giải pháp linh hoạt, phù hợp thực tiễn từng địa phương, cấp uỷ Đảng các cấp sẽ lãnh đạo công tác xây dựng TCCSĐ nông thôn, miền núi đạt được nhiều kết quả mới.
Bạch Thương