Tàu Hải cảnh Trung Quốc 46001 đâm chính diện mạn trái tàu Cảnh sát biển Việt Nam mang số hiệu 4032.
Tờ The Jakarta Post, ngày 20-5 có bài viết về quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan tới tình hình Biển Đông. Bài viết dẫn quan điểm của Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nhấn mạnh: “Đối thoại chính là chìa khóa giải quyết mối quan hệ rạn nứt giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
Bài báo dẫn trả lời phỏng vấn của ông Natalegawa khẳng định, Bộ Ngoại giao Indonesia đang nỗ lực hòa giải mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề đang gây căng thẳng – vốn được quan chức ngoại giao này cho rằng sẽ không chỉ đe dọa trực tiếp đến Việt Nam và Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới sự ổn định trong khu vực.
Ông Natalegawa cho biết, ông đã liên hệ trực tiếp với những người đồng cấp của Việt Nam và Trung Quốc để tìm kiếm giải pháp cải thiện mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước liên quan tới những diễn biến trên Biển Đông. “Nếu như chúng ta không thể ổn định được tình hình thì mọi thứ sẽ vượt khỏi tầm tay và có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng” – quan chức ngoại giao Indonesia cảnh báo.
Theo ông Natalegawa, Trung Quốc và Việt Nam cần hành động kiềm chế, tôn trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) 2002 nhằm tránh đẩy căng thẳng leo thang và gây ảnh hưởng tới các quốc gia khác trong khu vực.
“Tình hình bất ổn trên Biển Đông đang gây ảnh hưởng tới Indonesia. Vì thế, sự lựa chọn hiện giờ không nằm ở chỗ liệu chúng ta có thể dàn xếp được cuộc xung đột này hay không, mà chúng ta cần phải cùng nhau hợp tác để đưa tình hình trên Biển Đông vào tầm kiểm soát” – ông Natalegawa nói.
Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Indonesia đưa ra trong bối cảnh ngày 20/5, tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời Tổng thống Philippine Benigno Aquino III cáo buộc Trung Quốc đang vi phạm hiệp ước không tấn công lẫn nhau sau một loạt các động thái nhằm khẳng định chính sách bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông Aquino cho rằng, vấn đề hiện nằm ở chỗ bản thân DOC 2002 mà các nước đã thông qua không mang tính ràng buộc, và điều đó đã không tạo dựng đủ cơ sở cho những nỗ lực ngăn cản đụng độ giữa các bên có quan hệ tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. “Đó cũng chính là lý do tại sao trong phiên họp tại Campuchia hồi năm 2012, chúng tôi đã một lần nữa, kêu gọi các bên nhanh chóng hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để ngăn cản những tranh cãi và các quan hệ xung đột tiềm ẩn” – ông Aquino nói.
Ngày 18/5, tờ Manila Bulletin tiếp tục có bài viết nêu bật sự quan ngại của Mỹ trước hành động Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bài viết dẫn lời phát ngôn viên Nhà trắng Jay Carney phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ hồi cuối tuần trước, trong đó khẳng định rằng, hành động của Trung Quốc là mang tính khiêu khích và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đồng thời chôn vùi mục tiêu chung mà Bắc Kinh và Washington đang chia sẻ.
Tờ Manila Bulletin đánh giá lời phát biểu trên của ông Carney là một thái độ chỉ trích trực tiếp nhất của Mỹ đối với Trung Quốc, kể từ sau khi Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981, khiến căng thẳng gia tăng trong khu vực. Tác giả bài viết cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nước sâu vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam được xem là một trong những “động thái ngang ngược nhất” của Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây.
Trang tin “Đa chiều” của Hồng Kông (Trung Quốc) cuối tuần qua đã đăng bài bình luận với tựa đề “Chính sách của Tập Cận Bình đối với Việt Nam là một sai lầm nghiêm trọng”, trong đó cho rằng Trung Quốc hiện nay đang gặp rắc rối ở cả 4 phía xung quanh. Do vậy, nếu không sớm tỉnh ngộ, Trung Quốc khó tránh khỏi một kết cục ảm đạm. Bài viết cho rằng, trong cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông hiện nay, chính phủ Trung Quốc trở thành đối tượng bị chỉ trích là điều hoàn toàn không có gì ngạc nhiên.
Vấn đề nguy hiểm hơn ở chỗ, nếu sau này tình hình không được giải quyết một cách thỏa đáng, làn sóng chống Trung Quốc có thể lan ra một số quốc gia Đông Nam Á khác với các hành động nghiêm trọng theo kiểu Chủ nghĩa Hồi giáo hay Chủ nghĩa Dân tộc. Nếu giả thuyết này trở thành hiện thực, rõ ràng Trung Quốc sẽ thất bại vô cùng lớn trong lĩnh vực ngoại giao.
Theo trang tin “Đa chiều”, dù sự phát triển kinh tế của Trung Quốc là hết sức mạnh mẽ, nhưng điều đó không có nghĩa là tình hình chính trị, quân sự của nước này cũng diễn biến khả quan. Việc nhận thức rõ tình hình quốc tế, thận trọng trong lời nói và hành động là hết sức cần thiết. Trung Quốc vẫn ở trong giai đoạn cơ hội chiến lược, không thể tùy tiện kêu gọi chiến tranh. Chính phủ Trung Quốc cần phải thay đổi quan niệm, chấp nhận tầm quan trọng của việc cố gắng duy trì hiện trạng, đồng thời học hỏi tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, nhận thức lại chính xác các vấn đề do lịch sử để lại. Việc giữ bình tĩnh, ra sức vận dụng trí tuệ, sự khôn ngoan, tìm kiếm phương thức văn minh hơn để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ mới là lối thoát duy nhất hiện nay đối với Trung Quốc.
Cuối tuần trước, hãng tin CNBC cũng có bài viết “Đâu là động cơ thực sự đằng sau hành vi xung đột của Trung Quốc với Việt Nam”. Bài viết cho rằng, quan hệ tranh chấp trên Biển Đông từ lâu đã trở thành một câu chuyện cũ. Tuy nhiên, quan hệ căng thẳng leo thang giữa Việt Nam và Trung Quốc trong nhiều ngày trở lại đây lại là một điều hoàn toàn mới. Hãng tin này dẫn lời ông Ernest Bower – một chuyên gia nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 nhằm phát đi một lời cảnh báo “có tính toán và khiêu khích” tới người dân Việt Nam rằng, Bắc Kinh không “hài lòng” với sự phát triển của Việt Nam tại khu vực này. Ông Bower cho rằng, việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 không chỉ được xem như một thông điệp mạnh mẽ về những ý đồ mà Trung Quốc muốn phát đi trong khu vực mà còn là một hành động “dễ gây bùng nổ”.
Không chỉ tiếp tục có những bài viết chỉ trích các hành vi của Trung Quốc ngang ngược xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngày 19/5, báo chí quốc tế còn lưu tâm tới một diễn biến liên quan khác: Đó là sau sự cố ở khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), Trung Quốc đã quyết định rút một bộ phận công nhân về nước, bất chấp những thiện chí và nỗ lực giải quyết tình hình từ phía Việt Nam.
Bình luận về diễn biến này, tờ Bloomberg News dẫn lời ông David Koh - nhà tư vấn độc lập và là cựu thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), người đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu về Việt Nam trong hơn 20 năm qua cho rằng “việc Trung Quốc điều tàu để rút công nhân đang làm việc tại Việt Nam về nước có thể được xem là một phản ứng thái quá”. “Hiện vẫn rất khó để nhận định rằng, đây có phải là một hành động có chủ đích, hay hàm ý như một lời tuyên bố chính trị hay không” – ông Koh nói.
Nguồn dangcongsan.vn