Thầy giáo Phan Hoài Thi, giáo viên môn Địa lý cho biết: Trong bài giảng hàng ngày thầy đều lồng ghép, liên hệ phần kiến thức biển, đảo để giảng dạy như: cho học sinh xem những băng tư liệu về chủ quyền biển đảo nước ta; giới thiệu những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam cũng như quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển Đông hiện nay…
Giáo viên Trường TH Đông Hải 1 xây dựng mô hình “Biển, đảo Việt Nam”
để giờ học sinh động, hiệu quả hơn.
Bài giảng của những giáo viên Địa lý như thầy Phan Hoài Thi không chỉ giúp học sinh có những thông tin chính xác về tình hình biển Đông, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… đồng thời định hướng tư tưởng, giúp các em nhận thức và thể hiện lòng yêu nước một cách đúng đắn.
Em Nguyễn Thành Thơ, học sinh lớp 12 Toán 1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết: Năm nay, em đăng ký dự thi vào Học viện Kỹ thuật Quân sự. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương- 981 trái phép tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế, xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam, em càng quyết tâm phải học thật tốt để thi đỗ vào Học viện để được rèn luyện, học tập trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là việc làm thiết thực, ý nghĩa nhất của tất cả các bạn học sinh để thể hiện lòng yêu nước và tinh thần, trách nhiệm của một công dân Việt Nam.
Với tinh thần và trách nhiệm “Cả nước vì Trường Sa”, vừa qua thầy trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã phát động và quyên góp được 7,1 triệu đồng ủng hộ quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”, trong đó số tiền do học sinh quyên góp là 2,9 triệu đồng.
Là trường đóng trên địa bàn của một phường ven biển với gần 100% học sinh là con em gia đình ngư dân, Trường TH Đông Hải 1, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm đặc biệt chú trọng công tác giáo dục kiến thức tài nguyên biển, đảo và ứng phó biến đổi khí hậu cho học sinh. Để bài học sinh động, hiệu quả hơn, cán bộ giáo viên của trường đã chung tay thực hiện “Mô hình biển đảo Việt Nam”. Từ những vật liệu phế thải như: miếng cao su, gỗ vụn, dây điện, vỏ sò, ốc… qua bàn tay khéo léo của các cô giáo đã mô phỏng bản đồ Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tàu, thuyền, các lễ hội của ngư dân… để không chỉ giúp học sinh hiểu và yêu hơn biển, đảo quê hương mà còn biết chung tay giữ gìn tài nguyên biển.
Với truyền thống yêu nước của mỗi người Việt Nam, cùng với tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” theo lời Bác Hồ dạy, thế hệ học sinh Ninh Thuận với những suy nghĩ, hành động thiết thực sẽ là việc làm ý nghĩa để tiếp sức cho cha anh giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bích Thủy