Nghiên cứu quyền ưu tiên cho đại biểu Quốc hội không chuyên trách
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH tán thành với sự cần thiết, những yêu cầu, quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung và các nội dung cơ bản của dự thảo Luật. Đa số thành viên UBTVQH cho rằng, dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, chất lượng. So với Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung về tổ chức và hoạt động của Quốc hội để phù hợp với chủ trương đổi mới của Đảng, phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã kế thừa và pháp điển nhiều quy định từ Nội quy kỳ họp Quốc hội, các Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan; bố cục của Luật đã có sự điều chỉnh lớn, các điều luật đã được đặt tên để dễ theo dõi, áp dụng,...
Bên cạnh đó, một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, nội dung của dự thảo Luật cần được bổ sung nhiều quy định đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt vấn đề, hiện có hai nhóm đại biểu là hoạt động chuyên trách và không chuyên trách. Bà cho rằng, phải nghiên cứu thêm đại biểu không chuyên trách có quyền ưu tiên gì trong quá trình vừa làm việc chuyên môn, vừa làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. “Đề nghị phải nghiên cứu quy định trong Luật này quyền ưu tiên, để khi có công việc chồng lấn thì người đại biểu Quốc hội đó phải lựa chọn trách nhiệm đại biểu Quốc hội là việc đầu tiên, có như vậy mới giải quyết được thực trạng hiện nay là họp Ủy ban, họp Hội đồng, thậm chí là họp Quốc hội, các đại biểu này vắng mặt” – bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Với quy định mỗi năm một lần, đại biểu phải báo cáo với cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình, bà Trương Thị Mai cho rằng, điểm vướng là trong tổ chức thực hiện, nhưng nếu quyết tâm làm thì sẽ làm được.
Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, bên cạnh việc bổ sung các quyền cho đại biểu Quốc hội thì cũng cần có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Luật quy định, đại biểu Quốc hội phải dành tối thiểu 1/3 thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội vẫn còn ít. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, “đã là đại biểu Quốc hội thì phải dành 50% thời gian cho hoạt động của Quốc hội”.
5 năm mới có trên 6.000 người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam
Cũng trong sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định tại khoản 2, Điều 13 một điều khoản có tính chất chuyển tiếp như sau: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam. Chính phủ quy định trình tự thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam”.
Tuy nhiên, theo Báo cáo của Bộ Ngoại giao, sau gần 5 năm thực hiện đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2013, mới có trên 6.000 người làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. So với tổng số người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam thì tỷ lệ đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam dự báo là rất thấp. Trong khi đó, thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ kết thúc vào ngày 01/7/2014 tới đây. Theo quy định tại khoản 3, Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, thì những người không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam. Sau này, nếu có nguyện vọng thì họ phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật. Vì vậy, việc ban hành Luật sửa đổi khoản 2, Điều 13 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 là rất cần thiết và cấp bách.
Chính phủ đề nghị sửa đổi quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam tại khoản 2, Điều 13 của Luật theo hai phương án. Phương án 1: Sửa đổi theo hướng gia hạn thời gian đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thêm 5 năm (đến ngày 01/7/2019). Phương án 2: Sửa đổi theo hướng không quy định thời hạn đăng ký giữ quốc tịch đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đề nghị, UBTVQH xem xét, quyết định cho trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi khoản 2, Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 theo trình tự, thủ tục rút gọn để Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ 7, tháng 5 - tháng 6 năm 2014).
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, qua thảo luận, hiện đang có 03 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với phương án 1 nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Loại ý kiến thứ hai tán thành với phương án 2 nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Loại ý kiến thứ ba đề nghị bỏ quy định về việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, vì quy định này đã thể hiện sự bất cập, thiếu tính khả thi và không phù hợp với thực tiễn.
Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị trình 02 phương án để Quốc hội thảo luận, quyết định. Cụ thể, phương án 1, sửa đổi khoản 2, Điều 13 của Luật Quốc tịch Việt Nam theo hướng gia hạn thời hạn đăng ký quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thêm 05 năm, đồng thời bổ sung quy định người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam được làm thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam để tạo sự liên thông, gắn kết giữa việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam với thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam.
Phương án 2, bãi bỏ quy định tại khoản 2, Điều 13 và khoản 3, Điều 26 của Luật Quốc tịch Việt Nam về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng ký giữ quốc tịch. Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa thôi quốc tịch Việt Nam hoặc chưa bị tước quốc tịch vẫn đương nhiên có quốc tịch Việt Nam; được cấp, đổi hộ chiếu Việt Nam khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật Việt Nam. Để quản lý tốt hơn số lượng công dân Việt Nam ở nước ngoài, cần tiếp tục cải tiến theo hướng đơn giản hóa thủ tục đăng ký công dân như đang thực hiện theo quy định của Luật cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài (năm 2009) và Thông tư số 02/2011/TT-BNG ngày 27/6/2011 của Bộ Ngoại giao.
Về trình tự, thủ tục xem xét, thông qua dự án Luật và thời điểm có hiệu lực của Luật, Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề xuất của Chính phủ, đề nghị UBTVQH quyết định trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tới.
Mặt khác, do các quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng quốc tịch của một bộ phận không nhỏ kiều bào ta vào thời điểm ngày 01/7/2014 (05 năm sau khi Luật quốc tịch Việt Nam có hiệu lực), nên Uỷ ban Pháp luật cũng đề nghị Quốc hội cho phép quy định Luật này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày công bố để bảo đảm thi hành trước khi hết thời hạn trên./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam