Việt Nam đạt những thành tựu lớn trong giảm nghèo
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Trưởng Đoàn giám sát, giai đoạn 2005-2012, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật về giảm nghèo nhằm tác động đa chiều đến mọi mặt đời sống của người nghèo.
Cụ thể, Quốc hội đã ban hành 10 Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) hằng năm và 5 năm, trong đó xác định chỉ tiêu giảm nghèo và định hướng một số chính sách, giải pháp để thực hiện, có khoảng 20 văn bản luật quy định chế độ, chính sách liên quan đến người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn. Hàng năm, trong các quyết định phân bổ ngân sách, sử dụng trái phiếu Chính phủ, quyết định các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), Quốc hội đã quan tâm dành ưu tiên cho mục tiêu giảm nghèo.
Đối với Chính phủ, các chính sách pháp luật ban hành được chia thành hai nhóm chính: Nhóm chính sách chung và nhóm chính sách đặc thù. Qua rà soát, hiện nay có khoảng trên 70 văn bản dưới luật liên quan đến chính sách giảm nghèo còn hiệu lực được quy định trong 02 nghị quyết của Chính phủ, 10 nghị định, trên 30 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và khoảng hơn 30 thông tư, thông tư liên tịch của các Bộ, ngành. Trong đó, có 17 chính sách về hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, 33 chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất, 14 chính sách về hỗ trợ phát triển sinh kế và 41 chính sách về hỗ trợ nâng cao các mặt đời sống.
Đoàn giám sát đánh giá, qua việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo, ở cấp quốc gia thành tựu giảm nghèo có thể thấy rõ ở cả chuẩn quốc gia và quốc tế. Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% năm 2005 xuống 9,45% năm 2010 (chuẩn cũ) và từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (chuẩn giai đoạn 2010-2015). Ở các xã và thôn, bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 47% (2006) xuống 28,8% (2010); tại 62 huyện nghèo đã giảm từ 58,33% (2010) xuống 43,89% (2012).
Chủ nhiệm Trương Thị Mai cũng đánh giá, việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo theo các nghị quyết của Quốc hội hàng năm, 5 năm cho thấy, giai đoạn 2005 - 2012 tỉ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, bình quân giai đoạn này, mỗi năm giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 2,3 - 2,5%.
Bên cạnh những thành tựu, Đoàn giám sát cũng đánh giá công tác giảm nghèo vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đó là, mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo không có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao. Một số địa phương có tỷ lệ nghèo giảm nhưng cận nghèo tăng chưa có giải pháp khắc phục.
Chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, theo số liệu công bố mới nhất của Ngân hàng thế giới và Tổng cục thống kê cho thấy, hệ số chênh lệch này đã tăng đều từ 8,1 (năm 2002) lên 9,4 (năm 2012). Tỉ lệ nghèo trong vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao, đồng bào DTTS chiếm gần 50% số người nghèo cả nước. Năm 2012, các xã 135 tỉ lệ nghèo vẫn ở mức trên 40% (cá biệt có nơi trên 50%, thậm chí trên 60%-70%) và có khoảng 900 nghìn hộ cận nghèo (trong khi cả nước có hơn 1,4 triệu hộ cận nghèo); thu nhập bình quân đầu người ở các xã này chỉ bằng 30% so với thu nhập chung khu vực nông thôn...
Ưu tiên các chính sách đối với những địa bàn khó khăn nhất
Trên cơ sở kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về “Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020”, tập trung vào việc định hướng điều chỉnh chính sách giảm nghèo sau 2015 thông qua việc thay đổi chuẩn nghèo đa chiều; ưu tiên các chính sách đối với những địa bàn khó khăn nhất, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo nhằm thu hẹp chênh lệch về mức sống và an sinh xã hội; bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách giảm nghèo; tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phân công, phân cấp cụ thể trách nhiệm, đổi mới cơ chế điều hành, hoàn thiện khung tiêu chí đánh giá hiệu quả giảm nghèo và khuyến khích xã hội hóa trong công tác giảm nghèo.
Đoàn giám sát cũng kiến nghị Quốc hội tiếp tục đưa chỉ tiêu giảm nghèo là chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết phát triển KT-XH hằng năm, 5 năm của Quốc hội. Đồng thời phân bổ ngân sách cho các chính sách giảm nghèo trực tiếp và CTMTQG giảm nghèo theo hướng gắn với mục tiêu cụ thể và kết quả đầu ra; rà soát, sắp xếp các CTMTQG theo hướng lồng ghép các chính sách và nguồn lực để tăng tính hiệu quả của chính sách giảm nghèo...
Đối với Chính phủ, Đoàn giám sát kiến nghị khẩn trương rà soát, sửa đổi, sắp xếp hợp lý các văn bản pháp luật có liên quan đến giảm nghèo theo hướng tập trung chính sách, giảm số lượng văn bản, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp; phân công trách nhiệm rõ ràng; phân loại đối tượng hỗ trợ phù hợp; giảm dần các chính sách cho không và tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện. Tăng cường đầu tư cho địa bàn khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy kết nối phát triển KT-XH giữa vùng khó khăn với các vùng phát triển...
Đối với địa phương, Đoàn giám sát kiến nghị, tiếp tục cụ thể hoá các mục tiêu, giải pháp giảm nghèo vào chương trình phát triển KT-XH của địa phương, các nghị quyết chuyên đề của HĐND và UBND. Tăng cường chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra thực hiện các chính sách pháp luật, giảm nghèo ở địa phương; đổi mới cách thức và giải pháp tổ chức thực hiện giảm nghèo phù hợp với đặc điểm của địa bàn; chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy sự tham gia của người dân và cộng đồng trong giảm nghèo...
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH bày tỏ đồng tình cao với báo cáo của Đoàn giám sát. Đồng thời khẳng định kết quả giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 đã khẳng định thành tựu giảm nghèo đạt được liên tục trong nhiều năm là nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn này, đó là kết quả tác động toàn diện của quá trình tăng trưởng kinh tế, các chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH, các CTMTQG và các chính sách trực tiếp đối với mục tiêu giảm nghèo.
Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho rằng báo cáo cần nhận định, đánh giá về tình hình giảm nghèo trước năm 2005 để so sánh với thực hiện trong giai đoạn 2005-2012. Mặt khác, theo ông Nguyễn Đức Hiền, chúng ta đã ban hành nhiều chính sách về giảm nghèo nhưng cần đánh giá về hiệu quả đầu tư công cho giảm nghèo. Cũng theo ông, các tổ chức quốc tế đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong công tác giảm nghèo nhưng báo cáo chưa đề cập.
Đồng tình với ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ – Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt được thành tựu lớn trong công tác giảm nghèo, một trong những nguyên nhân làm nên thành tích đó là sự hỗ trợ to lớn của các tổ chức quốc tế. Vì vậy, theo ông, trong báo cáo cần bày tỏ sự cảm ơn đối với cộng đồng quốc tế.
Cuối giờ chiều 15/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2017 tại một số nước./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam