Thế giới tuần qua

 1. Phản ứng trước hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu HD-981 trong vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời va chạm với tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam, nhiều nước trong khu vực và thế giới lên tiếng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và cảnh báo Bắc Kinh rằng, đây là hành động mang tính khiêu khích và gây bất ổn tại khu vực.

 
Hành động ngang ngược, khiêu khích của tàu hải cảnh Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki (Giên So-ki) khẳng định, những hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông là cách hành xử nguy hiểm và mang tính đe dọa. Bà cho biết: “Dựa trên tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông, việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan vào vùng biển này là hành động gây hấn và không có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Chúng tôi cực kỳ quan ngại về cách hành xử và hăm dọa nguy hiểm của các tàu Trung Quốc tại vùng biển này”. Cùng lúc, ông John McCain (Giôn Mắc-kên) -Thượng nghị sĩ Mỹ nói: "Việc tàu Trung Quốc bao vây và đâm vào các tàu của cảnh sát biển Việt Nam là hành vi hung hăng và hiếu chiến. Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động đơn phương hòng thay đổi nguyên trạng này. Các hành động của Trung Quốc dựa trên những yêu sách lãnh thổ không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Sự thật là hành động của Trung Quốc diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã được xác định rõ ràng theo luật pháp quốc tế”. Trong khi đó, Nhật Bản cũng quan ngại sâu sắc về vụ việc này. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản nói: "Hòa bình và thịnh vượng ở Biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và các nước đều mong muốn giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đối thoại. Hành động đơn phương xâm phạm biển, đảo có tính chất khiêu khích của Trung Quốc và hành động này đang diễn ra trong vùng biển đang có nhiều bất ổn càng làm thêm căng thẳng cho khu vực".

2. Trong những ngày qua, bạo lực và đổ máu ở Ukraina (U-crai-na) đang khiến nước này cận kề bờ vực nội chiến. Tình hình được mô tả giống như cuộc chiến tranh hơn là những cuộc nổi dậy thông thường. Ở miền Đông và Nam quốc gia này diễn ra những cuộc đối đầu giữa những người biểu tình, các nhóm ly khai với lực lượng Chính phủ được xe bọc thép và trực thăng yểm trợ, mọi chuyện đã trở nên đẫm máu với thảm họa Odessa (Ô-đét-xa), với hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương. Đáng lo ngại hơn, các phần tử “cánh hữu” và cực đoan lợi dụng kích động hận thù dân tộc, khiến tình hình trở nên hỗn loạn. Chiến dịch quân sự mà Kiev (Ki-ép) nói là “chống khủng bố” có thể còn kéo dài, trong bối cảnh người dân nhiều nơi ở miền Đông đang lên kế hoạch “trưng cầu dân ý” về chính quyền địa phương.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (Xéc-gây La-vrốp) kêu gọi Ukraina không sử dụng quân đội quốc gia tại đây để tránh leo thang căng thẳng và chỉ trích phương Tây đã đưa ra những tuyên bố trái ngược khi lãnh đạo NATO yêu cầu không để xảy ra can thiệp quân sự vào tình hình chính trị ở Ukraina. Trong khi đó, đại diện Liên minh châu Âu (EU) lại nói rằng, lãnh đạo Ukraina “có toàn quyền sử dụng quân sự để thực hiện cái gọi là “chống khủng bố”.

3. Trong khi đó, tại Thailand, ngày 7-5, Tòa án Hiến pháp Thailand đã ra phán quyết bãi nhiệm Thủ tướng Yingluck Shinawatra (Dinh-lắc Xin-na-vắt) và 9 thành viên trong chính phủ tạm quyền. Phán quyết được đưa ra với lý do bà Yingluck và một số thành viên trong chính phủ đã vi phạm Hiến pháp và lạm quyền trong việc điều chuyển Tổng Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Thawil Pliensri (Tha-vin Pli-en-xri) năm 2011. Tòa án Hiến pháp khẳng định, những thành viên còn lại trong chính phủ tiếp tục điều hành đất nước cho đến khi một chính phủ mới được bầu ra. Một động thái phản đối, Đảng vì nước Thái cầm quyền đã bác bỏ phán quyết của Tòa án, coi đây là một âm mưu nhằm lật đổ Chính phủ hợp hiến của bà Yingluck, kêu gọi người dân biểu tình phản đối phán quyết này.