1.Tổng thống Mỹ Barack Obama (B.Ô-ba-ma) vừa kết thúc chuyến công du 1 tuần đến 4 nước châu Á bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia (Ma-lai-xi-a) và Philippines (Phi-lip-pin). Hai năm rưỡi từ khi cam kết chuyển trọng tâm ngoại giao, kinh tế, quân sự về châu Á, Tổng thống B.Obama quay lại khu vực, thực hiện “chuyến thăm bù” bị hủy bỏ hồi cuối năm ngoái với mục tiêu hàng đầu là thuyết phục các đồng minh rằng: Washington (Oa-sinh-tơn) đang thực sự quyết tâm với chiến lược này.
Trong bối cảnh sự nghi ngờ về cam kết của Mỹ đối với khu vực ngày càng gia tăng, chuyến đi của ông Obama tại thời điểm này được coi là vô cùng cần thiết trong việc thuyết phục các đồng minh và đối tác của Mỹ về sự “chân thành” trong việc triển khai chiến lược tái cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương.
Kết quả rõ ràng nhất sau chuyến đi châu Á của người đứng đầu Nhà trắng chính là Tuyên bố và thỏa thuận hợp tác an ninh song phương. Tại Nhật, ông Obama nói dứt khoát về sự bảo trợ an ninh của Washington đối với quần đảo Senkaku/Điếu ngư tại biển Hoa Đông mà Nhật đang tranh chấp với Trung Quốc. Tại Hàn Quốc, Mỹ đồng ý hoãn việc chuyển giao Quyền chỉ huy thời chiến cho Hàn Quốc. Tại Malaysia, hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên “quan hệ đối tác toàn diện”. Còn tại Philippines, 2 bên đã ký một hợp tác quân sự mới, cho phép Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ quốc gia Đông Nam Á này.
Ngoài an ninh quốc phòng, ông Obama đặc biệt quan tâm tới việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên , cả Nhật và Malaysia đều chưa nhượng bộ Mỹ. Dù vậy, với chuyến thăm châu Á lần này, Tổng thống Obama muốn phát đi một thông điệp rõ ràng rằng: Mỹ sẽ là nhân tố trung tâm ở châu Á nhiều năm tới.
2.Tình hình căng thẳng ở miền Đông Ukraina (U-crai-na) những ngày qua tiếp tục leo thang khi các cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra, nhằm yêu cầu tiến hành trưng cầu dân ý về Liên bang hóa Ukraina, bất chấp sự hiện diện quân sự của Chính quyền Kiev (Ki-ép). Đáp lại, Tổng thống tạm quyền Ukraina Turchynov cho biết, quân đội nước này đã được lệnh “trực chiến toàn diện” trong tình hình quan hệ với Nga căng thẳng. Ông Turchynov cho biết, lệnh báo động được đưa ra bởi người biểu tình mở rộng hoạt động ở miền Đông Ukraina và có ý định gây bất ổn ở các khu vực Nam và Đông Nam.
Một diễn biến leo thang trở nên căng thẳng hơn ở khu vực miền Đông, khi sáng sớm ngày 2-5, lực lượng quân đội Ukraina mở chiến dịch quy mô lớn nhằm tái chiếm thành phố Slaviansk (Xla-vi-an-sơ-cơ)-vốn được coi là thành trì của lực lượng biểu tình ở miền Đông Ukraina. Quân đội Chính phủ Ukraina tuyên bố giành quyền kiểm soát một nửa thành phố Slaviansk trong ngày đầu tiên trấn áp người biểu tình. Trước diễn biến nguy hiểm xảy ra, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án chiến dịch quân sự tại Slaviansk và tuyên bố Chính quyền Kiev có trách nhiệm trả lời người dân Ukraina về hành động này. Hành động của Chính phủ Ukraina đã vô hiệu hóa thỏa thuận 4 bên được ký tháng trước tại Genève nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraina. Hiện tại, hàng chục ngàn binh sĩ Nga đang tập trung tại khu vực biên giới với Ukraina và Moskva từng tuyên bố có quyền đưa quân vào Ukraina để bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga.
P.V