Các quy định này đã được các địa phương, đơn vị, đặc biệt là các trường học triển khai, tuyên truyền, quán triệt rộng rãi. Tuy nhiên, theo kết quả thanh tra mới đây nhất của Sở GD&ĐT, quá trình tổ chức DTHT ngoài nhà trường vẫn còn nhiều hạn chế, sai phạm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người học.
Trường THPT Phan Bội Châu (huyện Thuận Nam) tổ chức bồi dưỡng
củng cố kiến thức cho học sinh tại trường. Ảnh: Sơn Ngọc
Thanh tra Sở GD&ĐT vừa tiến hành kiểm tra 17 địa điểm tổ chức DTHT ngoài nhà trường trên địa bàn Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, trong đó có 11 điểm DTHT cấp THCS và 6 điểm DTHT cấp THPT. Để đảm báo tính khách quan, hiệu quả, trước đó Thanh tra Sở cũng đã phối hợp với các trường tổ chức khảo sát một số học sinh về giờ và địa điểm các lớp HT trên địa bàn thành phố. Theo kết luận Thanh tra của Sở GD&ĐT, các địa điểm tổ chức DTHT về cơ bản đã thực hiện đúng các yêu cầu về địa điểm, giờ giấc và thu phí học thêm. Cụ thể là: bàn ghế, ánh sáng, phòng học đảm bảo yêu cầu, an toàn cho người học…; không dạy trước 7 giờ và sau 20 giờ trong ngày; mức thu phí HT theo thỏa thuận…
Tuy nhiên, đoàn thanh tra cũng phát hiện nhiều hạn chế, sai phạm cần phải chấn chỉnh. Điển hình, là có 3/17 địa điểm thanh tra chưa được cấp giấy phép, 1 cá nhân tự động mở lớp DTHT khi đang trong thời gian thi hành kỷ luật khiển trách về vi phạm quy định DTHT; 2 trường hợp DT trước chương trình chính khóa; 9 trường hợp chưa niêm yết công khai giấy phép DTHT, thời khóa biểu, danh sách học sinh hoặc không có đơn xin HT của học sinh hoặc cha mẹ học sinh; 4 trường hợp có hồ sơ DT chưa đảm bảo quy định, còn thiếu sự chuẩn bị nội dung, chương trình, kế hoạch bài DT; 2 trường hợp vi phạm quy định DT ngoài nhà trường đối với học sinh mình đang dạy chính khóa và đặc biệt, tất cả các địa điểm DTHT được kiểm tra đều thực hiện sai quy định về thu và quản lý tiền HT. Theo ông Phạm Hữu Khương, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT thì những hạn chế, sai phạm này đã được chỉ ra trong các kết luận thanh tra về công tác DTHT trong những năm gần đây, nhưng tổ chức DTHT ngoài nhà trường vẫn cố tình sai phạm.
Thực hiện theo “Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục” tại điều 7 và điều 29 của Nghị định số 138/2013/NĐ-CP, Thanh tra Sở GD&ĐT đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra Quyết định xử phạt đối với 5 trường hợp, trong đó có 3 trường hợp phạt tiền với lý do: tổ chức DTHT khi chưa được cấp giấy phép và 2 trường hợp phạt cảnh cáo do DT trước chương trình chính khóa. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn thanh tra Sở cũng yêu cầu ngừng việc DT ngoài nhà trường của cô giáo Đặng Thủy Tâm, Trường THCS Lê Văn Tám vì đang trong thời gian thi hành kỷ luật khiển trách liên quan đến DTHT.
Kết quả thanh tra lần này cho thấy việc DTHT trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, sai phạm, ngay cả với những trường hợp đã được cấp giấy phép. Như vậy, những lo ngại của phụ huynh học sinh về tiêu cực trong DTHT là hoàn toàn có cơ sở. Rõ ràng, bên cạnh các quy định và chế tài xử phạt thì đạo đức nghề nghiệp, ý thức và trách nhiệm của mỗi người giáo viên là hết sức quan trọng. Hiện tượng DTHT đang có xu hướng bị thương mại hóa, mà biểu hiện rõ nhất là các lớp DTHT ngoài nhà trường hầu như không xác định được khi nào thì kết thúc thời gian học, nội dung chương trình học không thể hiện được phần kiến thức cần phải DT cho học sinh… nghĩa là tổ chức HT quanh năm. Điều đáng lưu ý là việc giáo viên DT trước chương trình chính khóa đã gây thiệt thòi lớn cho những học sinh không tham gia HT, đồng thời cũng tạo tâm lý chủ quan, chây lì đối với những học sinh HT – như vậy, giáo viên chưa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người học và chưa thực hiện đối xử công bằng với người học.
Theo ông Phạm Hữu Khương, để hạn chế tới mức thấp nhất những sai phạm về DTHT, ngoài công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của giáo viên của ngành GD&ĐT, thì chính quyền địa phương (xã, phường, khu phố) cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kịp thời có thông tin phản ánh với cơ quan có thẩm quyền. Để việc DTHT thật sự minh bạch, đảm bảo quyền lợi công bằng cho cả người dạy và người học rất cần sự giám sát, vào cuộc của toàn xã hội. Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình, phụ huynh và học sinh nên có sự cân nhắc khi lựa chọn các lớp HT, đồng thời cũng có thể thường xuyên giám sát và kịp thời phản ánh với các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi phát hiện dấu hiệu sai phạm tại các điểm DTHT.
Nhật Nam