Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất
cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Phát biểu kết luận Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014 (ngày 28/4), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương, đánh giá cao sự phấn đấu, nỗ lực và những đóng góp hết sức quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội đất nước thời gian qua.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhìn lại hơn 3 năm qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, song với nỗ lực chung của cả nước, chúng ta đã cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đề ra cho kế hoạch 5 năm 2011-2015. Nổi bật là, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý, năm sau cao hơn năm trước; an sinh xã hội được đảm bảo; chính trị -xã hội ổn định; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; an ninh quốc phòng được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Những thành quả đạt được nêu trên có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng DN, với tư cách là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế.
Đại diện các bộ, ngành TƯ dự Hội nghị. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra những khó khăn, tồn tại, hạn chế của DN, trong đó nổi lên là số lượng DN còn ít so với quy mô dân số; quy mô DN còn nhỏ (97-98% là DN vừa và nhỏ); vốn ít, sử dụng lao động chưa nhiều; sức cạnh tranh của DN tuy có được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu trong khi môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt; năng lực quản trị còn nhiều hạn chế; môi trường kinh doanh tuy được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc cần phải được cải thiện;...
Từ những phân tích nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng cộng đồng DN, các hiệp hội chung sức, chung lòng thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, đặc biệt quan tâm tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bởi đây là yếu tố mang tính chất quyết định. Muốn làm được điều này, trước hết phải đảm bảo được sự ổn định chính trị-xã hội; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tính ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng ngày càng vững chắc để cộng đồng DN yên tâm hơn trong phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế, vì có tăng trưởng kinh tế mới tạo điều kiện cho DN phát triển; hết sức quan tâm tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đảm bảo tự do kinh doanh; DN được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm; thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng trong kinh doanh; quan tâm cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đăng ký thành lập DN, thuế, hải quan, đất đai, thủ tục thanh tra, kiểm tra.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm tập trung hoàn thiện thể chế thị trường, xây dựng cơ chế, chính sách; cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính; yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát lại các thủ tục thanh tra, kiểm tra nhằm cắt giảm tối đa phiền hà, qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh”.
Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang tích cực chỉ đạo thực hiện nâng cao đạo đức phục vụ của cán bộ, công chức đối với DN, đối với nhân dân.
Thủ tướng chỉ đạo ngành Ngân hàng tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận được tín dụng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cụ thể việc tạo điều kiện tối đa cho DN, đồng thời phải bảo đảm được tín dụng, chăm lo phát triển thị trường vốn, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa ngân hàng và DN.
Khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, Thủ tướng cũng đề nghị các DN phải hết sức nỗ lực vươn lên, trong đó cần đặc biệt lưu ý tái cơ cấu trong điều kiện hội nhập, cạnh tranh để hoạt động hiệu quả hơn, năng suất lao động cao hơn, chi phí thấp hơn, sức cạnh tranh cao hơn. Trong tái cơ cấu, cần hết sức chú ý ứng dụng mạnh khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, từ đó nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đại diện các DN trong nước và nước ngoài tại Hội nghị.
(Ảnh: Chinhphu.vn)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các DN, hiệp hội phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong hoạt động phòng chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, bởi đây là những hành động theo Thủ tướng là “phá hoại sản xuất ghê gớm”, đồng thời mong muốn DN đóng góp tích cực vào hoạt động tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài; quan tâm xây dựng văn hóa DN, nhất là văn hóa ứng xử với người lao động và nghiêm túc thực hiện các chính sách, quy định của Nhà nước;...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thêm một lần nữa khẳng định: “Chính phủ sẽ làm hết sức mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng DN với tư cách là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Điều này vừa để cho DN thành công, vừa để đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước; rất mong cộng đồng DN nỗ lực phát huy những kết quả, thành tựu đạt được, ra sức khắc phục những khó khăn, thách thức để thành công”.
Thủ tướng cũng cho biết sau Hội nghị này, Văn phòng Chính phủ sẽ chuyển tất cả các kiến nghị của cộng đồng DN đến từng bộ, ngành liên quan để xử lý.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao xem xét xử lý, trả lời tất cả các kiến nghị của DN trên tinh thần hết sức ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững; giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị, dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ cần thiết theo chức trách của mình nhằm tạo mọi thuận lợi cho cộng đồng DN tiếp tục phát triển.
Nguồn www.chinhphu.vn