Theo đó, địa bàn có nguy cơ cháy rừng ở cấp độ cao nhất là các địa phương Ninh Sơn, Bác Ái và Ninh Phước. Vào cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài, độ ẩm thảm bề mặt rừng rất thấp, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể gây ra các vụ cháy rừng.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Thuận Bắc kiểm tra dụng cụ PCCCR. Ảnh: Minh Khai
Tuy nhiên, nhận thức của đại đa số người dân sống trong vùng có rừng, hoặc sinh sống dựa vào nguồn lợi từ rừng chưa đầy đủ, chưa thấy hết vai trò, ý nghĩa và tác dụng to lớn của rừng đem lại đối với môi trường sống cho chúng ta. Bên cạnh đó, tập quán đốt rừng làm nương rẫy vẫn còn diễn ra ở một bộ phận bà con dân tộc thiểu số, làm gia tăng nguy cơ cháy rừng. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo vệ, phòng, chống cháy rừng những năm qua vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, điều dễ nhận thấy là nhiều nội dung tuyên truyền còn nặng lý thuyết, thiếu trực quan, sinh động…
Đặc biệt, trong thời gian này, nắng nóng, khô hạn sẽ tiếp tục kéo dài. Do vậy, để giảm đến mức thấp nhất các thiệt hại do cháy rừng gây ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và có nhiều giải pháp thiết thực; nhất là, thường xuyên bám sát diễn biến tình hình thời tiết, đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá và tiến hành khoanh vùng những nơi dể xảy ra nguy cơ cháy rừng cao để chủ động triển khai phòng ngừa theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức của mọi người dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng, làm cho mỗi người dân hiểu được lợi ích thiết thực trong việc bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng cũng chính là góp phần bảo vệ nâng cao chất lượng môi trường sống của chính bản thân mình.
Hà Thanh Long