Phóng viên: Xin ông cho biết tình hình bệnh sởi trên địa bàn tỉnh hiện nay diễn biến như thế nào? Công tác tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế triển khai đến đâu?
Ông Nguyễn Đình Ngọc: Suốt thời gian qua, tình hình bệnh sởi trong cả nước diễn biến phức tạp. Riêng đối với tỉnh ta, năm 2013, không ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh, tuy nhiên từ đầu năm 2014 đến nay trong toàn tỉnh đã ghi nhận 27 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 11 trường hợp được xác nhận dương tính với sởi. Cụ thể: Tp. Phan Rang- Tháp Chàm có 3 trường hợp, Ninh Phước 6, Ninh Sơn 1 và Thuận Nam 1 trường hợp. Đối tượng mắc sởi chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. Đa số không được tiêm vắc-xin sởi hoặc chỉ tiêm 1 mũi so với phác đồ tiêm vắc-xin sởi là 2 mũi.
Mặc dù đến nay tỉnh ta không có trường hợp nào tử vong vì sởi, nhưng trước diễn biến phức tạp của bệnh, ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, từ ngày 10 đến 12-4, ngành Y tế đã lập kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin bổ sung cho trẻ từ 9 đến 24 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi sởi. Hoạt động tiêm bổ sung được thực hiện tại các trạm y tế xã, phường và hoàn toàn miễn phí. Tính đến nay số trẻ đã được tiêm là 4.307 trẻ, trong tổng số 5.383 trẻ cần được tiêm.
Phóng viên: Ngoài việc tiêm vắc-xin sởi bổ sung, có hoạt động cụ thể nào để nâng cao hiệu quả phòng, chống bệnh sởi, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Ngọc: Ngoài việc triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ, ngành thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra các hoạt động phòng, chống bệnh sởi tại các trạm y tế, cơ sở giáo dục mầm non như: tiêm vắc-xin bổ sung; giám sát, báo cáo tình hình dịch bệnh tại cơ sở; tuyên truyền phòng, chống bệnh trong cộng đồng; xử lý các tình huống khi có trẻ nhiễm bệnh tại gia đình, trường học… tập trung tại các phường, xã có số ca mắc bệnh cao và tỷ lệ trẻ được tiêm vắc-xin đầy đủ thấp như: Phước Mỹ, Phủ Hà, Mỹ Đông, Phước Thái, Phước Sơn, Quảng Sơn, Nhơn Sơn.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh bố trí cán bộ trực, theo dõi tình trạng nhập viện của bệnh nhân mắc sởi, kịp thời lấy mẩu để xét nghiệm. Các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thành phố cũng bố trí cán bộ chuyên môn theo dõi, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống nhiễm khuẩn tại các khoa phòng, phác đồ điều trị bệnh sởi… qua đó, hạn chế tối đa trường hợp mắc bệnh, cũng như hạn chế và xử lý kịp thời trường hợp xảy ra biến chứng, không để xảy ra tử vong do sởi.
Phóng viên: Xin cám ơn ông!
Uyên Thu (thực hiện)