Theo Tờ trình được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tại phiên họp, căn cứ tình hình thực tế, yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội, trong năm 2015, đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp; UBTVQH giám sát 2 chuyên đề tại phiên họp; Hội đồng Dân tộc giám sát 1-2 chuyên đề, mỗi Ủy ban giám sát 01 chuyên đề, báo cáo kết quả với UBTVQH và gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội.
Văn phòng Quốc hội đề xuất dự kiến 6 nội dung cụ thể trình UBTVQH xem xét, chọn ra 4 vấn đề. Trong 4 vấn đề đã được quyết định, 3 vấn đề có sự thống nhất cao sẽ được UBTVQH trình Quốc hội xem xét chọn 2 vấn đề để Quốc hội giám sát tại 2 kỳ họp; 01 vấn đề còn lại và 01 vấn đề UBTVQH không trình ra Quốc hội dành cho UBTVQH tiến hành giám sát.
“Cách làm như vậy sẽ lựa chọn được các vấn đề một cách tập trung, có tính sàng lọc, tận dụng được những vấn đề đã trình ra Quốc hội nhưng chưa được lựa chọn để đưa vào chương trình giám sát tại UBTVQH”, ông Nguyễn Hạnh Phúc phân tích.
Theo đó, Văn phòng Quốc hội trình UBTVQH xem xét, lựa chọn 4 nội dung từ 6 nội dung sau: Hiệu quả sử dụng vốn ODA cho đầu tư phát triển trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội (dự kiến giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì); Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2013 (dự kiến giao Hội đồng Dân tộc chủ trì); Tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì); Việc thực hiện chính sách, pháp luật về chương trình xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giai đoạn 2011-2014 (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì); Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo trợ xã hội (dự kiến giao Ủy ban Về các vấn đề xã hội chủ trì); Việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược lược (trọng tâm là các địa bàn: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) (dự kiến giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì).
Thảo luận về chương trình giám sát của Quốc hội và UBTVQH, đa số đại biểu đánh giá: Thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội đã có nhiều cải tiến về nội dung và hình thức. Kết quả giám sát đều được các cơ quan từ Chính phủ đến các địa phương chấn chỉnh kịp thời, công tác điều hành phù hợp. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, việc giám sát cần tập trung hơn, rút gọn lại các chuyên đề trọng tâm, để hiệu quả giám sát cao hơn.
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu ý kiến: Trong 6 chuyên đề, đề nghị chỉ chọn 2 chuyên đề: 1 chuyên đề của Quốc hội và 1 chuyên đề của UBTVQH. Về chuyên đề giám sát của Quốc hội, đề nghị chọn chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về chương trình xây dựng nông thôn mới. Còn giám sát về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật Trách nhiệm bồi thường Ủy ban làm.
Cho rằng mật độ giám sát chuyên đề là khá dày, chưa kể giám sát thường xuyên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị, Quốc hội lựa chọn giám sát 1 chuyên đề, UBTVQH giám sát 1 chuyên đề; Hội đồng Dân tộc và mỗi Ủy ban của Quốc hội cũng chỉ làm 1chuyên đề. Ông Phùng Quốc Hiển đề xuất, Quốc hội nên giám sát tối cao về cải cách hành chính – xây dựng thể chế; UBTVQH nên giám sát chuyên đề về an ninh và quốc phòng.
Một số ý kiến khác đề nghị, nên giảm bớt các chuyên đề giám sát trong năm sau. Không thực hiện giám sát tại Ủy ban để tập trung cho tổng kết 5 năm về kinh tế - xã hội và chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ cũng như chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp.
Không đồng ý với đề nghị giảm bớt công việc giám sát chuyên đề, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói: Không thể vì nhiều việc quá mà coi nhẹ một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội là giám sát. Tinh thần phải làm quyết liệt, khó mấy cũng làm. Ông KSor Phước cũng đề xuất UBTVQH thực hiện giám sát về công tác dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng định hướng: Hoạt động giám sát nên tập trung vào các nội dung đang được triển khai theo tinh thần Hiến pháp, như: Cải cách thể chế, quyền con người, quyền công dân… Bên cạnh đó là vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế để phục vụ tổng kết nhiệm kỳ.
“Đồng ý với Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước là mỗi Kỳ họp Quốc hội nên giám sát 1 chuyên đề và UBTVQH vẫn chọn 2 chuyên đề cho một năm, nhưng không nên đi quá rộng. Các Ủy ban được giao chủ trì 4 chuyên đề này thì không giám sát chuyên đề riêng nữa mà tăng cường giải trình” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Liên quan đến cách thức tiến hành giám sát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, các chuyên đề giám sát của UBTVQH tuy giao cho một Ủy ban chủ trì, nhưng cần có sự tham gia tích cực của các Ủy ban khác. Trưởng Đoàn giám sát đi các địa phương lớn phải là Chủ nhiệm Ủy ban, thành viên UBTVQH.
Cũng trong sáng 18/4, UBTVQH đã cho ý kiến Tờ trình của Chính phủ về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town).
Cho ý kiến về Tờ trình, đa số thành viên UBTVQH cho rằng, về cơ bản, Công ước và Nghị định thư này phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật Việt Nam. Việc gia nhập Công ước và Nghị định thư này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê trang thiết bị tàu bay, qua đó, mang lại lợi ích kinh tế cho các hãng hàng không của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn những khó khăn, thách thức trong việc thực thi Công ước và Nghị định thư này./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam