Phan Hữu Đức
Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy
|
Phan Hữu Đức Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy |
Điểm nổi bật là đã gắn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thường xuyên thực hiện tự phê bình, phê bình theo tinh thần NQ Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Từ đó đã có chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố và nâng cao hiệu quả điều hành của các cấp chính quyền, giữ vững ổn định an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Quan trọng hơn cả là niềm tin của CB, ĐV và nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn có mặt hạn chế, yếu kém. Một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thường xuyên coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng. Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng chưa cao; một số cơ quan đơn vị còn để xảy ra tham nhũng, tiêu cực phải xử lý. Số vụ việc tham nhũng tự phát hiện tại cơ quan, đơn vị còn ít, chủ yếu là phát hiện qua thanh tra, kiểm tra cũng như tố cáo và qua kênh báo chí. Việc xử lý CB, thu hồi tài sản sau thanh tra có trưòng hợp chưa kịp thời, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân.
Để khắc phục hạn chế trên, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiến tới ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, Ban Nội chính Tỉnh ủy đề nghị cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng sau:
Thứ nhất, các cấp ủy tổ chức Đảng, chính quyền và người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị phải thực sự coi công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; gắn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng với việc thực hiện NQ Trung ương 4 (khóa X): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đưa nội dung lãnh đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí vào chương trình công tác hàng năm; lấy kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trung tâm Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Văn Miên
Thứ hai, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, CB, ĐV và nhân dân. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân điển hình dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng.
Thứ ba, tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, các quy định, quy trình trong quản lý nhà nước ở địa phương, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Kịp thời phát hiện những thiếu sót, sơ hở, bất cập để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, tránh lợi dụng cơ chế, chính sách để tiêu cực, tham nhũng.
Thứ tư, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng như: Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác của CB.
Thứ năm, tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như: Quản lý sử dụng đất đai, tài chính, tín dụng, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội, công tác tổ chức CB, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tham nhũng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thanh tra, kiểm tra, xử lý tố giác, tin báo, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng.
Thứ sáu, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng. Tăng cường vai trò giám sát của HĐND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia giám sát, phát hiện các hành vi tham nhũng.
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng. Nếu thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó nhiệm vụ phòng ngừa là chính, chắc chắn trong thời gian tới công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí sẽ đạt được kết quả cao hơn, góp phần đạt được mục tiêu NQ Trung ương 3 (khoá X) của Đảng đề ra là “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”