Lời thú tội ấy không có tình tiết giảm nhẹ tội, không có trong hồ sơ vụ án, song nó làm cho lương tâm của họ bớt ray rứt. Âu đó cũng là một cách để họ chuộc lỗi. Lê Thị H., một cô giáo dạy Văn cấp III mang tội giết chồng chỉ vì một phút nghi ngờ, ghen tuông đã thú tội sau song sắt nhà tù sau hơn một năm thụ án. Tôi đã cảm nhận được sự ray rứt, sự chân thành trong từng lời tâm sự của H.
Sự rộng lượng của gia đình chồng đã cứu vớt cuộc đời em
Tính đến ngày H. được đặc xá trở về với đời thường thì đã là lần thứ tư tôi tiếp xúc với H. Lần đầu tiên, H. rũ rượi, thất thần, lúc tỉnh, lúc dại tại cơ quan Cảnh sát điều tra sau khi gây án. Lần thứ hai là khi H. đã nhận bản án 7 năm tù về tội giết người, khuôn mặt hốc hác, nước mắt ràn rụa, H. vẫn chưa mở lòng, chỉ luôn nức nở “tội em thật đáng chết, hãy cho em được chết theo anh ấy (chồng H.)”. Và mãi đến lần thứ ba, sau hơn một năm thụ án, H. đã cởi mở với tôi về câu chuyện của mình. Từ đằng xa, đã nhận ra tôi. Kéo tay tôi ngồi xuống bàn, H. nhanh nhảu lấy chai trà Dr. Thanh rót mời tôi (chẳng là trong suốt thời gian thi hành án vừa qua, thấy tiến bộ, tư tưởng ổn định nên Ban giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh đã bố trí cho H. lao động bên ngoài, phụ trách căn tin của Trại cùng với hai phạm nhân nữ khác). Rồi H. liếng thoắng khiến tôi ngạc nhiên. Từ một cô giáo dạy Văn cấp III, có một gia đình hạnh phúc với người chồng thành đạt và cậu con trai ngoan. Vậy mà phút chốc, H. đã tự đánh rơi mình xuống hố sâu tuyệt vọng và mất tất cả. Mang trọng tội giết người, giết ngay người đầu ấp tay gối với mình. Dư luận, người thân, gia đình, bạn bè… tất cả đều oán giận H. Những tưởng H. không bao giờ đứng dậy được, những tưởng cuộc đời H. đã đặt dấu chấm hết. Khi nghe H. trải lòng, tôi mới thấm thía câu hát của Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “sống trên đời sống cần có một tấm lòng”. Trước nỗi đau quá lớn vì bất ngờ mất đi một người con mà lại do chính con dâu mình sát hại, gia đình chồng hẳn phải trút hết sự căm hận lên H. Nhưng họ đã không làm vậy, họ đã đối xử với H. bằng một sự rộng lượng hiếm có. Hôm phiên tòa đưa ra xét xử, dù rằng khi tranh luận gay gắt với tòa về hành vi của H., chị chồng H. vẫn nhẹ nhàng một “em dâu tôi” hai “em dâu tôi”, tuyệt nhiên không có cách xưng hô nào khác. Dẫu căm giận, dẫu uất ức nhưng khi Tòa hỏi yêu cầu của gia đình bị hại, chị vẫn “xin xem xét nhẹ cho em dâu tôi”. H. bảo, lúc đó, H. không biết gì nữa hết, chỉ cố gắng không để ngất để khỏi ảnh hưởng phiên Tòa, để mau chóng nhận án, mau chóng trở về buồng giam trốn chạy dư luận.
Rồi H. kể, sau khi Tòa xử xong buổi sáng thì buổi chiều hôm ấy, chị chồng đã dắt cậu con trai bốn tuổi đến thăm H. Thằng bé vắng mẹ có mấy tháng mà dường như đã muốn quên mẹ rồi. Lòng H. như muối xát, kim châm trước cái nhìn xa lạ của con trai. “Rồi nó cũng nhận ra em chị à, em đọc cho nó nghe mấy bài thơ mà lúc trước em dạy nó thì nó vẫn nhớ. Em vui lắm. Trước khi về, chị chồng em còn cho cu Bi lên chơi với em một buổi nữa và động viên em cố gắng. Chỉ bấy nhiêu thôi em đã thấy mãn nguyện rồi. Đời em còn gì đâu hả chị”-H. lại khóc. Tôi hiểu, sẽ không bao giờ H. thôi đau đáu tội lỗi đã gây ra. Hơn bao giờ hết, H. cần sự tha thứ của mọi người để đứng dậy làm lại cuộc đời. Và chính sự bao dung, rộng lượng của gia đình chồng sẽ là điểm tựa để H. tự tin đứng lên trong cuộc sống.
Cũng vì được chồng quá nuông chiều nên em mới ra nông nổi
Kể về cuộc sống trước đây của mình, H. không dấu được niềm tự hào là người phụ nữ may mắn được chồng yêu chiều. Tuy cuộc sống ban đầu của đôi vợ chồng trẻ còn khó khăn nhưng luôn tràn ngập tiếng cười. Vì là con gái dân Văn nên H. thích sự lãng mạn. Ngày ấy, mỗi buổi sáng dậy đi làm, H. đều viết một mẩu giấy nho nhỏ bày tỏ sự yêu thương, hờn giận trong ngày bỏ vào túi áo chồng để anh ấy đọc mà hiểu H. và chia sẻ. Rồi trở thành thói quen, hôm nào, chồng H. cũng có một mẩu giấy nhỏ tâm sự của vợ. Thêm một thói quen khác mà chính thói quen này, khi đi chệch hướng đã dẫn đến kết cục đau lòng. Đó là mỗi lần hai vợ chồng giận nhau, H. cũng đều suy nghĩ và mất ngủ. Chỉ đến khi nhận được vòng tay ôm của chồng vỗ về “thôi ngủ đi em” là H. quên hết và yên tâm ngủ vùi. Thế mà lần này, sự băn khoăn, trăn trở của H. “Cũng như mọi lần, em không sao ngủ được, em ôm anh ấy thủ thỉ và mong được anh ấy vỗ về em, như thế thôi, là xua tan hết mọi nghi ngờ trong em. Vậy mà lần này anh ấy đã không làm vậy. Anh ấy đã thay đổi thái độ với em khiến em hụt hẫng. Rồi vợ chồng em to tiếng với nhau và em đã…”-H. lại nức nở.
Thường thì những đổi thay trong cuộc sống bao giờ cũng kéo theo sự thay đổi trong cách nghĩ. H. chua xót tâm sự, ngày chồng còn làm công chức nhận lương tháng tại một cơ quan, cuộc sống vợ chồng vui vẻ êm ấm. Mỗi tháng nhận lương cả nhà lại vui vẻ đi ăn “cải thiện” bên ngoài. Từ ngày chồng H. chuyển hướng mở công ty riêng, H. đã không còn niềm vui đầu tháng được chồng đưa lương. Mặc dầu, cuộc sống của mẹ con H. đầy đủ hơn nhưng cũng kèm theo việc chồng vắng nhà nhiều hơn và kèm theo những suy nghĩ lung tung hình thành trong H.. Giận nhiều hơn vui. Thay vào những sắc tím lãng mạn của một cô giáo dạy Văn là những thực tế trong cuộc sống khiến H. hụt hẫng dần và đã dẫn đến kết cục của ngày hôm nay. H. cười buồn “Ngay từ bây giờ chị ạ, ngay từ trong trại này em sẽ tập cách sống thực tế, em sẽ không sống lãng mạn nữa, để sau này khi ra đời, em mới có thể trụ được. Em sẽ là một con người khác. Bỗng chốc như một giấc mơ chị ạ”.
Tôi hiểu rằng, để suy nghĩ được như vậy, đã giằng xé lương tâm rất nhiều. Có nằm mơ H. cũng không nghĩ mình lại có ngày hôm nay. Chỉ trong một ngày, đúng hơn chỉ trong vài giờ ngắn ngủi đó, H. đã mất tất cả một cách đúng nghĩa. Điều H. cần nhất lúc này là sự tha thứ và bao dung của nhà chồng, của cộng đồng để H. có cơ hội lựa chọn cho mình một cuộc sống mới sau khi ra trại.
Và lần thứ tư tôi gặp H. là dịp H. được đặc xá trở về. Nước mắt lưng tròng, H. nắm chặt tay tôi “chúc chị sức khỏe”. Tôi chỉ vội nhắn với em “Hãy tự tin đứng dậy em nhé. Sau cơn mưa trời lại sáng”.
Hà Nguyên