Thuận Nam: Cần chung tay để phát triển giáo dục

(NTO) Huyện Thuận Nam được thành lập năm 2009. Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn chung, cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển giáo dục trên địa bàn cũng còn nhiều hạn chế, đòi hỏi ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Nam phải nỗ lực đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi cộng đồng, xã hội cùng chung tay hỗ trợ.

Cơ sở vật chất - thách thức không hề nhỏ

Tính đến tháng 4-2014, huyện Thuận Nam còn 4 xã chưa đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, là: Phước Nam, Phước Dinh, Phước Diêm và Cà Ná; đồng thời cũng là huyện duy nhất ở tỉnh ta chưa có trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Số trường TH, THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 cũng mới chỉ dừng lại ở những con số khá khiêm tốn…

Được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, Trường TH Lạc Nghiệp
có điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục.

Đồng chí Nguyễn Bá Lợi, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thuận Nam cho biết: Khó khăn lớn nhất trong sự nghiệp phát triển GD&ĐT hiện nay ở địa phương chính là điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu và xuống cấp trầm trọng. Toàn huyện hiện có 31 đơn vị trường học, trong đó có 7 trường mầm non, 16 trường TH, 7 trường THCS và 1 trường THPT (trực thuộc Sở GD&ĐT). Ngoài một số trường vừa được đầu tư xây dựng mới trong những năm gần đây, hầu hết các trường học Mầm non và TH trên địa bàn huyện vẫn đang phải mượn trụ sở Ban quản lý thôn để dạy học hoặc trường, lớp cũ được xây dựng từ những năm 80 nên đã xuống cấp nặng. Vì thiếu phòng học nên các trường mầm non, TH không thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc nâng cao chất lượng giáo dục mà còn là một trong những tiêu chí quan trọng được công nhận Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Bốn xã của huyện Thuận Nam chưa đạt Phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi cũng là 4 địa phương có trường mẫu giáo, mầm non còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Điển hình như Trường Mẫu giáo Phước Dinh, có 256 học sinh/10 lớp nhưng mới chỉ có 7 phòng học ở tất cả 4 điểm trường; Trường Mẫu giáo Phước Diêm hầu hết các phòng học đã xuống cấp nặng, trong đó điểm trường ở thôn Thương Diêm phải học tạm tại trụ sở Ban quản lý thôn. Bên cạnh đó, các trường TH Quán Thẻ, Thương Diêm do đã xây dựng từ lâu cộng với ảnh hưởng của đất nhiễm mặn nên nhiều phòng học không còn khả năng sử dụng.

Tháo gỡ khó khăn – cần sự chung tay của toàn xã hội

Theo đồng chí Nguyễn Bá Lợi, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, cho biết: vừa qua Phòng GD&ĐT và các phòng, ban liên quan của huyện đã tiến hành khảo sát một số trường học trên địa bàn để báo cáo, tham mưu UBND huyện bố trí nguồn vốn sửa chữa vào dịp hè 2014 sắp tới. Tuy nhiên trong điều kiện còn khó khăn chung của địa phương, Phòng GD&ĐT cũng chủ trương đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục và lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường. Trong những năm học qua, nhiều trường cũng đã chủ động làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để sửa chữa, xây mới một số hạng mục nhỏ, tạo điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh. Điển hình như Trường Mẫu giáo Phước Ninh huy động được hơn 500 triệu đồng để làm nhà bếp, sân chơi, xây dựng phòng học mới. Năm 2012, Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Phước Minh) và TH Lạc Nghiệp (xã Cà Ná) được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam hỗ trợ 22 tỷ đồng để xây dựng mới phòng học, nhà công vụ… Thầy giáo Nguyễn Thanh Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh cho biết: Ngoài nguồn vốn hỗ trợ xây dựng phòng học mới của Ngân hàng, nhà trường huy động xã hội hóa tại địa phương để làm sân trường, xây dựng bồn hoa, trụ cờ… góp phần tạo khuôn viên sạch đẹp. Đến nay, trường đã đạt 5/5 tiêu chí và vừa hoàn chỉnh hồ sơ để đề nghị cấp tỉnh kiểm tra, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Khuôn viên trường khang trang, sạch đẹp cũng giúp Trường TH Lạc Nghiệp tổ chức được nhiều hoạt động ngoại khóa, thu hút học sinh tham gia, giúp các em năng động, tự tin và ham học hơn. Chất lượng giáo dục nhà trường đã có chuyển biến rõ nét, điển hình nhất là tỷ lệ học sinh lên thẳng lớp đạt 100%.

Rõ ràng, điều kiện cơ sở vật chất là yếu tố hết sức quan trọng ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển giáo dục của địa phương. Có đủ phòng học, nhà trường tổ chức được học 2 buổi/ngày, vừa đáp ứng được các tiêu chí về phổ cập giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, đồng thời cũng tạo điều kiện để chăm sóc, chống tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ mẫu giáo, mầm non; mở lớp phụ đạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo dục ở trường phổ thông…Tuy nhiên, để đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất khang trang, không thể chỉ trông chờ vào nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, cũng không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành GD&ĐT mà đòi hỏi phải có sự chung tay, hỗ trợ “góp gió thành bão” của cả cộng đồng, xã hội.