Đây là nhận định mà Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tại phiên họp báo “Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương” diễn ra ngày 7/4.
Tăng trưởng gắn với giảm nghèo
Đại diện WB cho rằng, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô có cải thiện trong năm 2013 nhưng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế vẫn ở dưới mức tiềm năng khi Việt Nam phải cùng lúc thực hiện tái cơ cấu trong các doanh nghiệp Nhà nước, trong lĩnh vực ngân hàng và giải phóng đầu tư khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
Buổi họp báo “Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương”. Ảnh: VGP/Huy Thắng.
Các tài khoản thương mại và tài khoản vãng lai dự kiến vẫn thặng dư trong năm 2014, mặc dù ở mức thấp hơn so với năm 2013. Lạm phát có thể nằm trong chi tiêu của Chính phủ là 7% vào năm 2014 với giả định tăng trưởng tín dụng khiêm tốn và sẽ không xảy ra những cú sốc lớn từ phía cung.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, đánh giá cao quá trình tăng trưởng của Việt Nam luôn gắn với việc chú ý thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, không bị phân hóa quá nhiều (như châu Mỹ La tinh). Tuy nhiên, bên cạnh thành tích giảm nghèo tốt, Việt Nam cần khắc phục tỷ lệ nghèo ở mức cao của các dân tộc thiểu số.
Để tăng trưởng bền vững hơn trong tương lai, Việt Nam cần chú ý đến tăng trưởng xanh, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm… Đồng thời cần tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, sức khỏe người dân và cải cách giáo dục.
Bên cạnh những điểm tích cực, WB vẫn cho rằng những thành quả kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn còn mong manh và đang đối mặt với những rủi ro. Tổng cầu của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn yếu và rất dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ diễn biến kinh tế khó khăn nào. Về những vụ việc tiêu cực trong sử dụng vốn ODA vừa qua, theo bà Victoria Kwakwa, các cơ quan chức năng của Việt Nam (đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải) đã vào cuộc rất tích cực trong việc điều tra vụ việc. WB vẫn đang rất chú ý đến các động thái điều tra và xử lý các sai phạm từ phía các cơ quan chức năng Việt Nam để tăng cường niềm tin các nhà tài trợ. Về phía mình, đại diện WB tại Việt Nam khẳng định sẽ nỗ lực gấp đôi trong phối hợp với Việt Nam để triển khai các dự án đi đôi với việc phòng chống những gian lận trong việc sử dụng vốn ODA.
Những khuyến nghị quan trọng
Về việc triển khai cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp, bà Kwakwa đánh giá cao những bước đi của Việt Nam với hàng loạt mục tiêu cũng như quy định mới như trong hai năm 2014-2015 sẽ có 432 doanh nghiệp Nhà nước phải cổ phần hóa; Nghị định 61/2013/NĐ-CP về Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn Nhà nước… Đồng thời, vừa qua đã có một loạt doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng. WB ghi nhận, với chương trình tái cơ cấu đang được đà, những nỗ lực để thoái vốn Nhà nước ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính và cổ phần hóa một số lớn các DNNN sẽ gửi một tín hiệu tích cực tới các nhà đầu tư.
Bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh, các quy định mới được đưa ra là một bước tiến, nhưng việc thực thi các quy định, văn bản pháp lý cải cách mới đóng vai trò quyết định.
Đánh giá về việc giải quyết nợ xấu, bà Victoria Kwakwa cho biết, nếu cải cách cơ cấu chậm chạp có thể khiến cho tăng trưởng GDP tiếp tục ở mức thấp và làm giảm bền vững tài khóa. Đại diện WB cũng bày tỏ mình không nắm rõ thông tin đầy đủ việc xử lý “nút cổ chai” nợ xấu cũng như kết quả hoạt động Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Bà cho rằng, việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém chỉ là một trong nhiều biện pháp tái cơ cấu và cải cách tài chính các quốc gia, đối với các ngân hàng thật sự yếu kém phải chấp nhận cho phá sản, giải thể. Điều quan trọng nhất là tạo dựng được lòng tin và lành mạnh hóa hệ thống thì mới có thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, lành mạnh hóa nền kinh tế.
Nguồn www.chinhphu.vn