Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh có thể nói chưa bao giờ lưu vực sông Mekong đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Nhu cầu gia tăng về tài nguyên cho các hoạt động kinh tế, xã hội, trong đó có nhu cầu năng lượng và lương thực đã tạo nên áp lực ngày càng lớn đối với tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan cũng như môi trường sinh thái trong lưu vực sông.
Lưu vực sông Mekong đã trở thành 1 trong 5 lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất. Dòng chảy trung bình năm của sông Mekong tại trạm Chiềng Sen, cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong, đã giảm 10% trong vòng 30 năm qua. Ở Lào, sông Mekong đoạn chảy qua Thủ đô Vientiane 10 năm qua khô hạn đến mức người ta có thể lội qua sông trong mùa khô. Ở Thái Lan, sông Chao Phraya vốn hiền hòa đã xảy ra lũ lớn, gây ra thảm họa lũ lụt quốc gia trong nhiều tháng liền trong năm 2011. Ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nước mặn đã vào đến tận khu vực Tân Châu, Châu Đốc (tỉnh An Giang) và là điều chưa bao giờ xảy ra trước đây.
Những tác động này càng trở nên nghiêm trọng hơn, cấp thiết hơn trong bối cảnh các quốc gia ven sông tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu. Theo số liệu tính toán cho các kịch bản về biến đổi khí hậu, khi kịch bản tồi tệ nhất xảy ra thì trong vòng 100 năm tới, nước biển ở Việt Nam sẽ dâng cao 1m, làm mất 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, gây ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 10% dân số của Việt Nam.
Trưởng đoàn 4 nước thành viên Ủy hội sông Mekong quốc tế tại Hội nghị. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định là một thành viên có trách nhiệm đồng thời là nước ở cuối nguồn sông Mekong, Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước ven sông đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của cả khu vực.
Nhằm phát huy vai trò của Ủy hội vì lợi ích chung của cả khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ưu tiên thúc đẩy thêm 5 vấn đề cụ thể.
Thứ nhất, cần tiếp tục thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 cũng như các thủ tục, quy định của Ủy hội sông Mekong quốc tế về sử dụng công bằng, hợp lý tài nguyên nước, trong đó có Thủ tục thông báo, tham vấn trước và Thoả thuận (PNPCA) nhằm hỗ trợ việc ra quyết định phù hợp đối với các dự án phát triển tài nguyên nước trong lưu vực sông Mekong.
Thứ hai, cập nhật và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược Phát triển lưu vực dựa trên Nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước thông qua việc thực hiện các kế hoạch hành động của quốc gia và vùng. Trong quá trình xây dựng Kế hoạch Chiến lược của Ủy hội giai đoạn 2016-2020, cân nhắc áp dụng cách tiếp cận mới về mối liên kết nước - năng lượng - lương thực trong quy hoạch phát triển lưu vực với tầm nhìn dài hạn, đa ngành, đa lĩnh vực.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo của Ủy hội, trong đó tập trung và ưu tiên cao nhất cho việc hoàn thành “Nghiên cứu chung về quản lý và phát triển bền vững sông Mekong”, bao gồm cả nghiên cứu các tác động từ các dự án thủy điện dòng chính.
Thứ tư, tăng cường hơn nữa vai trò giám sát và điều phối của Ủy hội trong triển khai thực hiện cam kết của các nước thành viên về hợp tác quản lý, sử dụng, bảo vệ nguồn nước chung sông Mekong vì mục tiêu phát triển bền vững của khu vực. Đồng thời, cần tiếp tục củng cố và hoàn thiện các cơ chế pháp lý khu vực và quốc tế nhằm thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển bền vững, công bằng và hợp lý tài nguyên nước.
Thứ năm, tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác giữa Ủy hội và các nước đối tác, khuyến khích sự tham gia và tham vấn giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực vì sự phát triển bền vững của lưu vực.
Thủ tướng bày tỏ: “Cùng các thành viên khác của Ủy hội, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của Trung Quốc và Myanmar, hai nước đối tác đối thoại của Ủy hội, đồng thời đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ của các đối tác phát triển và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật để giúp triển khai các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của Ủy hội trong giai đoạn tới”.
Việt Nam coi trọng sự phát triển bền vững của khu vực sông Mekong
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, là một đất nước có quá trình hình thành và phát triển gắn liền với văn minh lúa nước, sông Mekong có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam cũng như an ninh lương thực trong khu vực.
Đồng bằng Cửu Long có diện tích trên 40.000 km2 là nơi sinh sống của gần 20 triệu dân, hàng năm đóng góp đến 27% GDP với 90% lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, nơi đây hiện cũng đang phải chịu tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng phát triển các công trình ở thượng nguồn, gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của hàng triệu người dân trong khu vực.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng sự ổn định và phát triển bền vững của khu vực châu thổ sông Mekong cũng như việc ứng phó với các thách thức an ninh nguồn nước và tác động của biến đổi khí hậu nói chung.
Song song với việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 cùng nhiều chương trình hành động cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã chủ động triển khai Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Việt Nam hoan nghênh việc Chính phủ các nước Lào và Campuchia đã cam kết cùng tham gia nghiên cứu này và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các đối tác phát triển, các nhà tài trợ để nghiên cứu sớm có kết quả vào cuối năm 2015 như kế hoạch đã đề ra.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục để gia nhập Công ước Liên Hợp Quốc năm 1997 về Luật Sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy, nhằm góp phần hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý khu vực và quốc tế đảm bảo việc quản lý, sử dụng và phát triển tài nguyên nước tại các con sông quốc tế một cách bền vững, công bằng và hợp lý.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng, thông qua hợp tác, đối thoại trên tinh thần hợp tác Mekong sẽ góp phần giải quyết hiệu quả các thách thức liên quan đến an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực, đồng thời bảo đảm lợi ích chính đáng của nhân dân các nước trong lưu vực sông Mekong về phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Nguồn www.chinhphu.vn