Cần nhiều nỗ lực đưa nước sạch về vùng nông thôn

(NTO) Do đặc thù là vùng khô hạn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt vẫn thường xảy ra, nhất là địa phương vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Thực trạng này đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ và phương án đầu tư phù hợp.

Nhiều nơi “khát” nước sinh hoạt

Trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn một số địa phương trong tình trạng thiếu nước, không có nước hợp vệ sinh để sinh hoạt. Đơn cử như thôn Mỹ Tường (xã Nhơn Hải, Ninh Hải) hiện đang sử dụng nguồn nước từ hồ Nước Ngọt.

Nước sinh hoạt về với người dân thôn Phú Thọ, phường Đông Hải (PR-TC).

Tuy nhiên, do hồ có dung tích nhỏ (1,8 triệu m3), cộng với thời tiết nắng nóng kéo dài làm mực nước trong hồ xuống thấp, không đủ nước để cung cấp cho người dân. Tương tự, xã Phước Kháng (huyện Thuận Bắc), xã Phước Trung (huyện Bác Ái) cũng là những địa phương rất  khó khăn về nguồn nước, đặc biệt trong mùa khô. Ở các vùng này, mặc dù chính quyền địa phương đã đầu tư hệ thống cấp nước tự chảy, nhưng do đầu tư nhỏ lẻ, không đồng bộ, đồng thời xác định sai vị trí lấy nước nên hiện các công trình này đã bị hư hỏng, không sử dụng được nhiều năm nay.

Để khắc phục tình trạng trên, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã lập dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa các công trình đã hư hỏng, nhưng các dự án này vẫn chưa có vốn để triển khai thực hiện. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng trăm hộ dân tại các xã miền núi này vẫn đang phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết: Nguyên nhân các dự án trên chưa thể triển khai, chủ yếu là do không có vốn để thực hiện. Trước đây, nguồn vốn đầu tư chủ yếu là từ ngân sách của Trung ương và các nhà tài trợ (như Úc, Hà Lan, Đan Mạch…). Tuy nhiên hiện nay, các nhà tài trợ đã rút gần hết nên tỉnh gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho các công trình. Đối với nguồn vốn đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ các chương trình hỗ trợ, tỉnh đã phân về cho các huyện, nhưng do đầu tư nhỏ, lẻ nên kém hiệu quả. Mặt khác, đời sống của đồng bào dân tộc miền núi còn nhiều khó khăn, không có kinh phí để bắt đường ống dẫn nước vào sử dụng. Chính vì vậy, ở một số vùng, mặc dù đã được lắp đặt hệ thống ống dẫn nước về nhưng do không có đường ống nhánh nên người dân vẫn không có nước sạch để sử dụng.

Nâng cao hiệu quả đầu tư

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 40 hệ thống cấp nước tập trung và 10 hệ thống cấp nước tự chảy. Tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 84%, trong đó tỷ lệ người dân sử dụng nguồn nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế là 62,8%. Theo kế hoạch, trong năm 2014, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh sẽ thực hiện các dự án cấp nước ở Sơn Hải (xã Phước Dinh, Thuận Nam) và mở rộng nâng cấp hệ thống cấp nước ở thôn Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải). Ngoài ra, trung tâm sẽ tiếp tục hoàn thiện hai công trình chuyển tiếp của năm 2013 là nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước Ma Nới và hệ thống cấp nước Tân Mỹ của huyện Ninh Sơn. Khi 2 công trình này hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ cung cấp nguồn nước sạch cho hơn 4.300 dân. Tiếp tục thực hiện việc xây dựng hệ thống đường ống cấp nước tạo nguồn dọc kênh Nam thay vì lấy nguồn nước trực tiếp từ các kênh mương thủy lợi trước đây, nhằm đảm bảo ổn định về khối lượng và chất lượng nguồn nước, nhất là vào mùa khô hạn, hay thời điểm đóng nước kênh.

Ông Nguyễn Văn Hoàng cho rằng: Các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho các công trình cấp nước tập trung sẽ mang lại hiệu quả và bền vững hơn so với việc phân chia nhỏ lẻ. Do đó, trong thời gian tới cần tập trung nguồn vốn vào một đầu mối để đầu tư mang tính lâu dài, tránh tình trạng như trước đây, các địa phương đầu tư nhưng thiếu quy hoạch và manh mún nên các công trình thường chỉ sử dụng được trong một thời gian ngắn lại phải nâng cấp, sửa chữa hoặc bỏ không, gây tốn kém và lãng phí. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách hỗ trợ cho người dân vay vốn để có điều kiện dẫn nước về sử dụng. Có như vậy thì việc đầu tư mới thực sự mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân nông thôn.