Thói quen sử dụng túi ni-lông
Với cả người bán và người mua, trong các chợ, siêu thị hay tại hệ thống bán lẻ ở cả thành thị và nông thôn…, ở đâu túi ni lông cũng hiện diện như một thứ không thể thiếu trong giao dịch mua bán hàng ngày. Dạo một vòng quanh các chợ thuộc địa bàn Tp. Phan Rang- Tháp Chàm như chợ Phan Rang, chợ Tháp Chàm, chợ Đô Vinh…, có thể thấy hành vi phổ biến nhất là khách hàng chọn mua đồ, người bán hàng cho món đồ ấy vào túi ni -lông rồi trao lại cho khách hàng.
Túi ni lông phát tán bừa bãi gần cầu Mông Nhuận (huyện Ninh Phước).
Chủ một sạp bán cá ở chợ Tháp Chàm cho biết chị thường tốn ít nhất 2 túi ni lông cho mỗi khách hàng mua cá. Một ngày, sạp cá của chị tiêu thụ hết hơn nửa cân túi ni –lông. Là người mua hàng, chị Phạm Thị Vân ở phường Đô Vinh cho biết: “Sau mỗi lần đi chợ, tôi cầm về nhà trung bình 5-10 túi ni-lông các loại”.
Dành một tiếng khảo sát tại chợ Đô Vinh vào giờ cao điểm, chúng tôi thấy hầu hết những người đi chợ bước vào chợ với tay không, người mang theo đồ đựng (giỏ, túi…) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại các sạp bán thực phẩm như thịt, cá… thì trung bình 5 phút có đến gần 20 túi ni-lông được sử dụng để đựng hàng cho khách. Hiện tại, túi ni-lông được bán tại các chợ trong tỉnh có giá từ 25-40 nghìn/kg tùy loại. Giá rẻ mà lại tiện lợi nên cả người bán và người mua đều “trao nhận” túi ni-lông “không tiếc tay”. Trong siêu thị Co.op Mart Thanh Hà (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm), dù chỉ là 1 mớ rau thơm cũng được đóng gói bằng túi ni-lông. Siêu thị này có bán túi dùng nhiều lần, nhưng hầu như không mấy người quan tâm bởi túi đó không “miễn phí”.
Thay đổi thói quen, hành động vì môi trường
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh để một túi ni-lông phân hủy một cách tự nhiên phải cần từ 500 đến 1.000 năm. Tuy nhiên, hành vi và thói quen sử dụng túi ni-lông đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người. Hiếm người tái sử dụng túi ni-lông. Phần lớn chúng được thải ra môi trường, “phủ” ngoài bãi rác, rải rác khắp các kênh mương… Túi ni-lông lẫn trong đất chính là nguyên nhân ngăn cản oxy đi qua đất, làm chậm sự tăng trưởng của cây trồng, gây xói mòn đất, làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch gây ngập úng. Không chỉ thế, các hoá chất độc hại còn lại của túi ni-lông còn thâm nhập vào đất, vào nguồn nước, vào đồ ăn thức uống, gây tổn hại sức khoẻ con người và nguy hại tới môi trường.
Mỗi người tiêu dùng có thể hạn chế tối đa việc dùng túi nilông bằng những việc nhỏ nhất như: Khi đi mua hàng thì nên mang theo giỏ, hộp hoặc túi gấp để đựng đồ. Ngoài ra có thể dùng túi giấy, túi có chất liệu dễ phân hủy, thân thiện với môi trường thay vì túi ni-lông. Trường hợp buộc phải dùng túi nilông thì để chung các các sản phẩm cùng loại vào một túi. Nếu tận dụng được thì nên sử dụng nhiều lần thay vì chỉ một lần rồi vứt đi. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tích cực tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người dân trong việc hạn chế sử dụng túi ni-lông, góp phần bảo vệ môi trường.
Để thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni-lông không phải là việc dễ dàng, một sớm một chiều. Điều đó còn phụ thuộc vào nhận thức và hành động của mỗi chúng ta.
Nguyễn Tuyến