Bộ trưởng Bộ Công thương: Không có chuyện đưa chi phí nhà ở vào giá thành điện

Sáng 1/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những nhóm vấn đề gây bức xúc trong nhân dân hiện nay như: tình trạng thương lái nước ngoài vơ vét nông, lâm, thủy sản gây rối loạn thị trường; tình trạng buôn lậu; trách nhiệm quản lý giá điện, xăng dầu…

Thương lái nước ngoài thu mua nông sản: Trách nhiệm Bộ trưởng ra sao?

Mở màn phiên chất vấn, Đại biểu (ĐB) Mã Điền Cư, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề cập đến hai vấn đề đã và đang diễn ra trong thực tế, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đó là tình trạng thương lái thu mua nông, thủy sản làm rối loạn thị trường, gây thiếu nguyên liệu sản xuất trong nước và tình trạng xuất khẩu lậu khoáng sản qua đường tiểu ngạch.

“Phải chăng do sự yếu kém quản lý nhà nước, trong đó trách nhiệm lớn nhất là của Bộ Công thương? Phải chăng là thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý. Trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng ra sao? Và đến thời gian nào có thể chấm dứt tình trạng này?” - ĐB Mã Điền Cư chất vấn.

Trả lời ĐB Mã Điền Cư, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận thực trạng trong những năm vừa qua, xuất hiện hiện tượng thương lái nước ngoài thu gom một số hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam. Trước tình hình đó, Bộ Công thương với trách nhiệm của mình đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng, các địa phương để tìm hiểu nắm tình hình và qua đó có giải pháp cụ thể.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng nhấn mạnh, theo những quy định, khung quản lý nhà nước về thực hiện Luật thương mại, Luật cạnh tranh thì những thương lái nước ngoài không có sự hiện diện thương mại ở Việt Nam không được phép trực tiếp tham gia vào thu mua các mặt hàng ở Việt Nam. Còn nếu muốn tham gia phải thông qua doanh nghiệp Việt Nam có tư cách pháp nhân ký hợp đồng. Thực tế, có một số thương lái chưa thực hiện nghiêm quy định này. Bộ Công thương đã chỉ đạo tiến hành đánh giá việc nắm bắt, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của một số thương nhân thương lái nước ngoài từ những năm 2013 trở về trước.

Báo cáo trước UBTVQH, Bộ trưởng cho biết tình hình có những bước cái thiện. Nhưng đến đầu năm 2014 xuất hiện thông tin về việc thương lái nước ngoài mua vét nguyên liệu nông sản, thủy, hải sản diễn ra trên địa bàn cả nước, gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.

Bộ Công Thương đã trực tiếp liên hệ với các địa phương nơi xảy ra các hiện tượng nói trên, yêu cầu các địa phương báo cáo nhanh để nắm bắt tình hình và kịp thời xử lý.

Bộ trưởng cũng cho biết, đối với hoạt động thu mua cây huyết đằng tại tỉnh Kon Tum, theo báo cáo nhanh của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum thì trên địa bàn không có hiện tượng thương lái người nước ngoài tổ chức thu mua cây huyết đằng, mà chỉ có các đại lý thu mua cây huyết đằng là người địa phương đứng ra thu mua cho bà con đi rừng về.

Đối với hoạt động thu mua lá khoai lang tại tỉnh Vĩnh Long, theo báo cáo nhanh của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long thì trên địa bàn có thương lái người nước ngoài đứng ra thu mua lá khoai lang với số lượng lớn. Tuy nhiên chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban, ngành tuyên truyền, vận động bà con nông dân, những tác hại của việc bán lá khoai lang non, do đó nông dân đã không tiến hành việc mua bán với thương lái người nước ngoài.

Đối với thông tin thu mua cây Culi, cây lông khỉ (cây kim mao cẩu tích) tại Nghệ An, theo báo cáo nhanh của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An thì hiện nay không có thương nhân (cá nhân) người nước ngoài thu mua trên địa bàn huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An, hiện tượng nêu trên đã diễn ra từ năm 2013 và nay không còn xảy ra.

Đối với hoạt động thu mua thảo quả tại Hà Giang, Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo kiểm tra và đã xác định là không có hiện tượng thương nhân nước ngoài thu mua thảo quả trên địa bàn.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, những thông tin gần đây liên quan đến tình hình thương lái nước ngoài thu mua nông sản đã được Bộ Công thương khẩn trương, tích cực kiểm tra nghiêm túc với tinh thần cầu thị. Bộ trưởng cũng nhận định rằng tình hình có thể xảy ra phức tạp trong thời gian tới nếu buông lỏng quản lý.

“Tôi xin nhận trách nhiệm, bởi trong công tác quản lý thị trường mặc dù có cố gắng nhưng vẫn còn xảy ra ở chỗ này chỗ kia những tình trạng tương tự” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Không thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) thẳng thắn chất vấn “Trách nhiệm thì Bộ trưởng đã nhận, nhưng nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng thương lái nước ngoài gây nhiễu loạn thị trường thì Bộ trưởng chưa đề cập. Phải chăng pháp luật còn quá nhiều kẽ hở hay trách nhiệm của Bộ trưởng và các bộ liên quan còn quá chung chung?".

Trả lời ĐB Huỳnh Nghĩa, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề cập đến diễn biến theo xu thế thương mại hóa toàn cầu. Bộ trưởng cũng cho rằng để chấm dứt được tình trạng trên thì ngoài hoàn thiện khung pháp lý phải nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các bộ ngành liên quan.

Không tính chi phí nhà ở, bể bơi, sân tennis vào giá thành điện

Một vấn vấn đề nóng được ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là về chi phí giá điện bất hợp lý. ĐB nói rõ, gần đây, dư luận cho rằng, việc tính chi phí giá điện, bao gồm cả chi phí xây dựng biệt thự, sân tennis, nhà ở cho công nhân viên vào giá thành là rất bất hợp lý.

Bên cạnh đó, ĐB Huỳnh Nghĩa cũng bày tỏ rất quan tâm đến khoản đầu tư ra ngoài ngành của EVN. “Ngành điện đầu tư ra ngoài ngành hơn 121 nghìn tỷ đồng, vậy khoản đầu tư này sẽ giải quyết ra sao, bao giờ EVN mới trả hết?”.

Giải đáp thắc mắc của các đại biểu cũng như cử tri cả nước, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết: Tính đến 31/12/2011, vốn đầu tư ngoài Tập đoàn EVN là hơn 120 nghìn tỷ đồng. Song chỉ có khoảng 2000 tỷ đồng là đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành như: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. Còn lại số tiền đầu tư ngoài ngành theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thực chất được EVN đầu tư chủ yếu tại các công ty con và công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện.

Về việc chi phí xây biệt thự, sân tennis, bể bơi… tính vào giá bán điện, Bộ trưởng cho biết, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong 6 dự án nhiệt điện của EVN, gồm Ô Môn 1, Phú Mỹ 1 và 4, Nghi Sơn 1, Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, thì đều có hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa”. Trong đó, chỉ có công trình Nhiệt điện Ô Môn 1 là có bể bơi; chỉ có Nghi Sơn 1 là có sân tennis; một số công trình có biệt thự nhưng là để phục vụ cho chuyên gia nước ngoài vào xây dựng và chuyển giao.

Theo Bộ trưởng, như vậy là số lượng công trình điện có các hạng mục bể bơi, sân tennis rất hạn chế. Không chỉ ngành điện mà các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn vay nước ngoài đều có công trình phục vụ chuyên gia, khi chuyên gia rút về thì công trình này dành cho mục đích phục vụ cán bộ nhân viên.

“Với các công trình xây dựng ở địa bàn xa xôi, môi trường làm việc có tính chất độc hại như vậy thì thu hút cán bộ, người lao động rất khó khăn nên tạo điều kiện bằng cách xây dựng hạ tầng công trình phúc lợi như vậy thì dư luận và nhân dân chắc là cũng thấy hợp lý" - Bộ trưởng lí giải.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: “Trong 6 công trình, đến nay mới duy nhất có Nhiệt điện Phú Mỹ 1 là được hạch toán vào giá thành điện vì được xây dựng những năm trước đây nhưng cũng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu, chỉ 1,5 - 3 tỷ đồng/năm trên tổng doanh thu là 6000 tỷ đồng, còn lại 5 công trình chưa hạch toán vào giá thành điện.

Chốt lại phần trả lời, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định “Không có chuyện đưa chi phí nhà ở vào giá thành điện năm 2011, chỉ trừ một dự án và giá thành đưa vào cũng rất nhỏ"./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam