Chỉ sau năm ngày chiến đấu (đợt 1 của chiến dịch, từ ngày 13 – 17/3/1954), cánh cửa phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã mở toang.
Thành công của đợt 1 cũng chứng tỏ ta đã tìm ra cách đánh đúng, nên mặc dù quân Pháp hết sức đề phòng, vẫn không tránh khỏi bị tiêu diệt. Tuy nhiên, quân Pháp đã nhanh chóng bù đắp những thiệt hại về người và vũ khí trong mấy ngày qua.
Phía trước chúng ta lúc này là khu trung tâm của địch với hơn một vạn quân, nằm bên dãy đồi phía Đông và ken chặt với nhau trên cánh đồng hai bên bờ sông Nậm Rốm. Như để giảm bớt sự khốc liệt của chiến tranh và như muốn tìm sự an ủi về tinh thần, nên hơn ba mươi cứ điểm ở đây được chia thành bốn trung tâm đề kháng đều được quân Pháp đặt tên của những cô gái: Huyghét, Clôđin, Êlian, Đôminích. Mỗi trung tâm đề kháng gồm nhiều cứ điểm. Huyghét và Clôđin gồm khoảng hai chục cứ điểm ở phía Tây, nằm trên cánh đồng bằng phẳng bên hữu ngạn sông Nậm Rốm. Êlian và Đôminích ở phía Đông, gồm hơn một chục cứ điểm tiếp giáp nhau bên tả ngạn sông Nậm Rốm, có những cao điểm lợi hại kiểm soát toàn bộ trận địa khu trung tâm. Trong số các cao điểm này, Êlian 2 (ta gọi là đồi A1) giữ vai trò đặc biệt quan trọng, vì nó khống chế một phạm vi khá rộng gồm cả khu vực Sở Chỉ huy của Đại tá Christian de Castries (Đờ Cát-xtơ-ri), Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và hai chiếc cầu trên sông Nậm Rốm.
Hai vòng tròn màu đỏ là những đường hào của quân ta, màu vàng bên trong là khu vực
quân Pháp bị bao vây. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)
Tại Mường Thanh, địch chiếm tất cả những điểm cao quan trọng. Chúng đã xây dựng trận địa hầm hào vững chắc. Đây lại là địa hình quân địch có thể phát huy tối đa ưu thế về không quân, chiến xa và pháo binh kết hợp với những đợt phản kích của lực lượng cơ động thiện chiến. Địch sẽ khai thác những nhược điểm của bộ đội ta khi chiến đấu trên địa hình thiếu chỗ ẩn náu, khi chiến đấu ban ngày…
Mở đầu trận đánh, ta đã tập trung ưu thế binh lực tiêu diệt một số trung tâm đề kháng đột xuất để phá vỡ một cánh cửa của tập đoàn cứ điểm. Lúc này, đứng trước khu vực tập trung sức mạnh chủ yếu của địch, ta phải vận dụng một cách đánh khác thích hợp nằm trong yêu cầu tổng thể: Tiêu diệt toàn bộ quân địch.
Sự tiêu hao binh lực của ta trong đợt đầu không lớn, có thể được bù đắp nhanh chóng. Nhìn chung, các đơn vị vẫn sung sức, chưa kể là tinh thần còn được nâng lên sau những chiến thắng vừa qua. Nhưng với tương quan lực lượng hiện nay thì "con nhím" Điện Biên Phủ còn quá mạnh. Cần phải làm cho nó suy yếu trước khi bắt đầu trận quyết định.
Đảng ủy mặt trận đề ra ba nhiệm vụ cụ thể nhằm chuẩn bị cho đợt tiến công thứ hai:
1. Phải nhanh chóng tiếp cận bao vây địch bằng cách xây dựng trận địa tiến công và bao vây quân địch khắp các mặt Đông, Tây, Nam, Bắc trong cự ly có hiệu quả của tất cả các loại súng lớn, nhỏ của ta; đồng thời, chia cắt phân khu Hồng Cúm với khu trung tâm.
2. Tiếp tục đánh "bóc" thêm một số cứ điểm ở ngoài "vỏ" tập đoàn cứ điểm theo nguyên tắc phải bảo đảm chắc thắng.
3. Phải khống chế sân bay của địch cho hiệu quả; chuẩn bị đánh địch phản kích; tăng cường những hoạt động nhỏ, tiêu hao, quấy rối quân địch.
Trong những nhiệm vụ trên, việc xây dựng trận địa tiến công và bao vây là quan trọng bậc nhất.
Ngay tại cuộc họp đánh giá kết quả đợt tấn công thứ nhất, được tổ chức vào ngày 17/3/1954, Bộ Chỉ huy mặt trận quyết định trao Cờ Quyết chiến Quyết thắng, phần thưởng luân lưu của Bác Hồ trong chiến dịch cho Đại đoàn 351. Đại đoàn trao lại Lá cờ cho Đại đội lựu pháo 806, đơn vị đã bắn những phát pháo đầu tiên vào cứ điểm Him Lam (ngày 13/3/1954) mở màn chiến dịch lịch sử.
Chúng ta dự kiến chiến dịch sẽ gồm ba đợt. Đợt thứ nhất đã hoàn thành. Ta đang bước vào đợt thứ hai, siết vòng vây trận địa chiến hào, tiêu diệt và tiêu hao quân địch, thu hẹp phạm vi chiếm đóng, làm cho kẻ địch suy yếu dần. Đợt này sẽ dài nhất và mang tính quyết định. Và đợt cuối cùng là tổng công kích để giữ toàn thắng.
Thời gian dành cho việc xây dựng trận địa bao vây và tiến công trong đợt 2 là 10 ngày. Những tuyến chiến hào vạch ra trên bản đồ ước tính dài khoảng 100 km. Và, chắc chắn sẽ không dừng là ở con số này.
Dựa trên những yêu cầu về chiến thuật, chúng ta thấy cần có hai loại đường hào: Đường hào trục dùng cho việc cơ động pháo vận chuyển thương binh, điều động bộ đội lớn, đường hào tiếp cận địch của bộ binh. Đường hào trục sẽ chạy một đường vòng rộng bao quanh toàn bộ trận địa địch ở phân khu trung tâm. Đường hào bộ binh sẽ chạy từ những vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng đổ ra cánh đồng, cắt ngang đường hào trục tiến vào những vị trí địch mà ta định tiêu diệt. Các loại đường hào đều có chiều sâu 1,7 mét, không quá rộng để bảo đảm an toàn trước bom đạn địch và giữ bí mật cho bộ đội khi di chuyển. Đáy hào bộ binh rộng 0,5 mét, đáy hào trục rộng 1,2 mét. Dọc đường hào bộ binh có hố phòng pháo, hầm trú ẩn, chiến hào và ụ súng để đối phó với những cuộc tiến công. Việc xây dựng trận địa phải tiến hành ban đêm, làm tới đâu ngụy trang tới đó, triển khai cùng một lúc trên toàn thể mặt trận để phân tán sự chống phá của địch.
Đại đoàn 308 phụ trách phía Tây, các Đại đoàn 312 và 316 phụ trách phía Đông. Trận địa phía Tây và phía Đông gặp nhau một đầu ở đồi Độc Lập, một đầu ở bên bản Cò Mỵ, kết hợp thành một đường vòng rộng ôm lấy cánh đồng Mường Thanh. Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304 được tăng cường một tiểu đoàn của Đại đoàn 316, có nhiệm vụ xây dựng một trận địa hình cánh cung chạy từ Đông sang Tây, cắt rời phân khu Hồng Cúm khỏi khu trung tâm Mường Thanh.
Trước đợt 1 chiến dịch, bộ đội ta đã tiến hành xây dựng trận địa. Nhưng quy mô lần này rộng lớn hơn rất nhiều. Các đơn vị đều tiến hành một đợt học tập xác định xây dựng trận địa lần này sẽ là một cuộc chiến đấu thực sự.
Phải có một thời gian biểu hoàn toàn mới cho bộ đội. Buổi sáng là giờ ngủ. Khoảng cách sau bữa cơm trưa với bữa cơm chiều là thời gian chuẩn bị vật liệu xây dựng trận địa: lên rừng đốn gỗ, chặt lá ngụy trang. Sau bữa cơm chiều, từ nơi trú quân tiến ra cánh đồng. Suốt đêm là thời gian đào trận địa. Bộ đội phải lao động cật lực từ 14 tới 18 tiếng mỗi ngày. Những đêm giá rét, đào trận địa mồ hôi vẫn luôn chảy. Gặp những chỗ đất rắn hay nhiều sỏi đá, bàn tay các chiến sĩ phồng rộp, rớm máu. Nhưng khổ nhất vẫn là khi gặp ruộng lầy, mọi người phải ngụp trong bể bùn, dùng tay, dùng xẻng, mũ sắt, có lúc cả áo mưa để đựng bùn đổ đi. Sau đó, phải đóng cọc, chèn phên hai bên thành hào phòng sụt lở. Những đêm mưa, ở nơi đất trũng, nước đổ vào đường hào, mọi người bì bõm trong bùn nước. Nước mưa chảy tràn trên mặt, nhưng vẫn không ngừng tay.
Bộ đội ta ngày đêm đào hào bất kể bom, đạn của quân Pháp
(Ảnh: tư liệu TTXVN)
Sau khi nghe báo cáo về tình hình xây dựng trận địa, ngày 20/3/1954, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã viết một bức thư gửi bộ đội:
"…Tôi được báo cáo các đồng chí đã làm trận mấy ngày liền lại phải chiến đấu, rồi lại phải liên tục bắt tay vào làm trận địa, như thế có đồng chí mệt nhọc.
Nhưng ta mệt nhọc thì cần phải nhớ rằng, quân địch ở Điện Biên Phủ còn căng thẳng mệt nhọc hơn ta, thương binh không có hầm mà nằm, không đủ thuốc để chữa, công sự một phần bị sụp một phần bị rung chuyển, tiếp tế không đầy đủ, thỉnh thoảng lại ăn một quả đại bác của ta, lại thêm thương vong.
Như vậy, chúng ta nên nghỉ ngơi để cho kẻ địch có thì giờ mà nghỉ ngơi chân chỉnh, có thì giờ mà tăng viện, mà thả dù tiếp tế, mà phát huy hiệu lực pháo binh và không quân của chúng, hay chúng ta là chiến sĩ của quân đội nhân dân, là đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam, lúc này phải nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, chịu mỏi mệt hơn một phần để gây thêm mười phần mệt mỏi và khó khăn cho địch. Giữa hai con đường đó, nên đi con đường nào? Tôi chắc các đồng chí đều đồng thanh trả lời nên phát huy truyền thống chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, chiến đấu anh dũng của quân đội ta để liên tục làm trận địa, liên tục chiến đấu với địch…".
Khi đường hào đã kéo dài hàng chục kilômét trên cánh đồng thì không còn cách nào ngụy trang để che mắt quân địch, mỗi tấc đất chiến hào bắt đầu phải trả bằng máu. Pháo địch bắn suốt đêm vào những đường hào mà chúng đã phát hiện ban ngày. Máy bay liên tiếp thả đèn dù phát hiện những mục tiêu mới cho những trận oanh tạc. Địch ném bom napan, bom 1.000 pound xuống trận địa. Ban ngày, địch đưa quân ra những trận địa ở gần, đánh bật bộ phận canh gác, san lấp những đoạn hào, gài mìn ngăn bộ đội ta đào tiếp.
Trước nguy cơ con đường hành lang giữa Hồng Cúm và khu trung tâm bị cắt, tập đoàn cứ điểm tách làm đôi, Đờ Cát-xtơ-ri đưa Tiểu đoàn lê dương dù số 1 và xe tăng ra phản kích nhưng không đánh bật được chốt của Trung đoàn 57. Ngày 27/3/1954, Đờ Cát-xtơ-ri quyết định trao cho Thiếu tá Marcel Bigeard (Bi-gia), Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn dù số 6 của Pháp làm việc này, đồng thời nhằm mục đích loại trừ một đơn vị pháo cao xạ của ta mới xuất hiện ở phía Tây.
Sáng 28/3/1954, một đơn vị của Trung đoàn 102 ở Pe Luông được lệnh di chuyển bàn giao lại trận địa cho Trung đoàn 88. Trung đoàn 88 đưa Đại đội 229 của Tiểu đoàn 322 ra phòng ngự ban ngày đề phòng quân địch phản kích. Sương mù còn dày đặc. Cán bộ đại đội đi xem xét chiến hào, đặt kế hoạch tác chiến, điều chỉnh lại các ổ súng máy.
Trung đội 8 bố trí ở tuyến tiền duyên đang sửa sang lại các hầm hố chiến đấu thì đột nhiên tiếng súng máy nổ ran. Từ trong màn sương, quân Pháp bất ngờ hiện ra rất đông, vừa la hét vừa xông tới.
Thấy trời nhiều sương mù, máy bay không thể hoạt động đúng giờ quy định, Bi-gia thay đổi kế hoạch, cho xe tăng cùng với Tiểu đoàn dù lê dương 1 dừng lại phía sau làm lực lượng dự bị, chưa sử dụng pháo binh, đưa ba tiểu đoàn lính dù và lê dương bí mật đột kích vào trận địa của ta.
Trung đội 8 của ta phải đối phó với cuộc xung phong của Tiểu đoàn dù 6 của Pháp. Các chiến sĩ mặc dù đứng chân chưa vững tại trận địa, đã lập tức nổ súng đánh trả, quật ngã những tên địch đang xông tới. Hỏa lực của ta khá mạnh làm cho Tiểu đoàn dù số 6 của quân Pháp phải dán mình trên mặt đất, Bi-gia buộc phải trở lại kế hoạch cũ. Pháo ở Mường Thanh bắn dữ dội rồi xe tăng tiến lên mở đường. Xe tăng tràn qua trận địa. Những tên lính dù bám theo xe tăng chia thành nhiều toán nhảy xuống chiến hào. Các chiến sĩ kiên quyết không rời trận địa, chụm lại ở một ngã ba chiến hào bố trí trung liên, tiểu liên thành một vòng tròn, mặc cho những chiếc xe tăng vượt qua, nhắm những tên lính dù nổ súng.
Cùng lúc đó, trận địa phòng không trống trải của đại đoàn ở phía sau cũng nằm dưới hỏa lực liên thanh và đạn pháo của xe tăng. Những người lính phòng không chỉ được trang bị trọng liên bắn máy bay, giờ phải dùng vũ khí của mình chiến đấu với xe tăng và bộ binh địch. Đại đội trưởng Quỳ và Chính trị viên Phú của đơn vị phòng không hạ lệnh cho tất cả xạ thủ hạ thấp nòng súng cao xạ nhắm vào những chiếc xe tăng và bộ binh địch. Nòng súng đỏ rực ngăn chặn hiệu quả những chiếc xe tăng. Nhưng rồi đạn bắt đầu cạn và hết hẳn. Đại đội trưởng và chính trị viên đều bị thương nặng. Xích xe tăng chà lên chiến hào và ụ súng. Các chiến sĩ, kể cả những người đã bị thương, giật dây lựu đạn chờ xì khói rồi mới ném thẳng vào quân địch. Cuối cùng lựu đạn cũng hết. Các chiến sĩ dùng búa đanh, kìm, lắc lê, chân súng gãy... lăn xả vào quân địch đánh giáp lá cà. Cuộc chiến đấu không cân sức kéo dài tới 2 giờ chiều.
Trận đánh diễn ra hoàn toàn bất ngờ. Đại bộ phận Tiểu đoàn 322 sau một đêm đào hào đều mệt mỏi đang nghỉ ở hậu cứ, khi có người từ trận địa chạy về báo tin liền tiến ra phản kích với sự trợ lực của súng cối 120 ly. Bộ đội ta xung phong đánh bật dần quân địch khỏi chiến hào trục. Thấy quân ta kéo tới đông, Bi-gia lập tức ra lệnh rút lui. Trên trận địa cao xạ, từ những ụ súng, hầm đạn nhô lên một số chiến sĩ quần áo nhuốm đầy máu, trong tay chỉ có những dụng cụ sửa chữa pháo dùng làm vũ khí chiến đấu. Tại trận địa của Trung đội 8 ở tiền duyên, người ta tìm được hai chiến sĩ Nguyễn Hoàng Phương và Bùi Minh Đức. Phương là y tá, đã bị thương gãy cả hai tay. Đức là chiến sĩ, một thiếu sinh quân mười bảy tuổi vừa vào bộ đội, bị thương cả hai mắt không còn nhìn thấy gì. Trong những giờ qua, hai người đã dựa vào nhau tiếp tục chiến đấu. Phương quan sát mục tiêu, Đức dùng tay bóp cò súng. Vừa lúc các đồng đội tới thì Phương thở hơi cuối cùng. Sau trận đánh, Đức được quân y hết lòng điều trị giữ lại được một con mắt. Đây là trận phản kích lớn cuối cùng của địch ở Điện Biên Phủ trước khi cuộc tiến công đợt hai bắt đầu.
Trong khi bộ đội Việt Nam nghỉ ngơi trong chiến hào, chờ đến giờ xuất kích...
(Ảnh: tư liệu TTXVN)
...thì quân Pháp lại bị vây chặt trong chiến hào và ngày càng khốn đốn.
(Ảnh: tư liệu AFP)
Từ sau khi mất phân khu Bắc, địch hoàn toàn giữ thế phòng ngự. Những trận phản kích chỉ nhằm ngăn cản không cho trận địa chiến hào của ta tiến vào gần. Chúng tập trung vào việc tổ chức lại phòng thủ ở phân khu trung tâm, củng cố công sự, bố trí thêm vật cản, làm những đường hào nối liền các trung tâm đề kháng để tránh pháo ta khi cần di chuyển, yêu cầu Hà Nội tăng viện người, vũ khí. Hy vọng của địch vẫn là lợi dụng ưu thế về địa hình và binh lực vũ khí tập trung để đánh bại cuộc tiến công của ta như chúng đã làm được ở Nà Sản.
Địch vẫn cố bảo vệ sân bay Mường Thanh bằng mọi giá. Đường ghi bị đại bác phá hỏng lập tức được chữa lại. Việc hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh ban ngày không thể tiếp tục. Hệ thống chiếu sáng đã bị pháo ta bắn hỏng. Ban đêm, máy bay hạ cánh theo dấu hiệu duy nhất là những ngọn đèn dầu đặt ở đầu đường băng. Chúng cần vận chuyển cho binh đoàn đồn trú những thứ tối cần thiết không thể thả bằng dù; di tản thương binh đã làm cho những căn hầm cứu chữa dưới lòng đất bên bờ sông Nậm Rốm trở nên ngột ngạt. Do chiến hào của ta đã vào gần, nên những cuộc hạ cánh ban đêm của máy bay địch trở nên hết sức khó khăn. Pháo cao xạ của ta đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với những viên phi công trước đó vẫn coi khoảng không là nơi tuyệt đối an toàn. Các loại máy bay chiến đấu vận tải, kể cả những siêu pháo đài bay của Hoa Kỳ liên tiếp bị bắn rơi trên bầu trời Điện Biên Phủ.
Nếu như thời gian xây dựng trận địa đợt 1 kéo dài hơn một tháng, thì đợt 2 ngắn hơn nhiều. Chỉ sau mười ngày lao động và chiến đấu gian khổ, trận địa tiến công và bao vây của ta đã cơ bản hoàn thành. Trên một trăm kilômét đường hào cùng với hàng vạn hầm hố bao kín trận địa trung tâm của địch. Những đường hào đặt sân bay và Sở Chỉ huy Đờ Cát-xtơ-ri trong tầm bắn súng cối của trung đoàn và tiểu đoàn bộ binh ta.
Bên cạnh tập đoàn cứ điểm cũ của địch đã có một "tập đoàn cứ điểm" thứ hai, một tập đoàn cứ điểm di động. Hình thái chiến tranh trận địa bắt đầu xuất hiện tại Điện Biên Phủ.
Lịch sử đã đưa hai đội quân tới trận đánh quyết định tại một nơi không hẹn trước là Điện Biên Phủ, trên cánh đồng Mường Thanh. Chúng ta đã chọn hình thức tác chiến bằng trận địa bao vây và tiến công.
Cũng là những đường hào, những ụ súng, hầm hố, nhưng trận địa ta và địch có những tính chất hoàn toàn khác biệt. Trận địa địch mang tính phòng ngự tuyệt đối. Còn trận địa ta mang tính tiến công. Một bên hoàn toàn cố định, một bên vẫn có tính cơ động. Trận địa của ta không ngừng phát triển. Nó không chỉ là chiến tuyến cung cấp nơi ẩn náu an toàn của bộ đội. Nó tạo điều kiện cho ta tiếp cận dễ dàng các cứ điểm địch, tung ra những đòn tiến công bất ngờ, cho phép ta đối phó hữu hiệu với những cuộc phản kích, cũng như rút lui an toàn khi cần kết thúc trận đánh, giúp cho cán bộ, chiến sĩ có những sáng tạo bất ngờ trong quá trình chiến đấu.
Người ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt của trận địa ta và trận địa địch trên chiến trường.
Trận địa địch là những đường hào, hầm hố đỏ quạch, bố trí rất tập trung, khép kín, nằm chết cứng giữa rừng dây thép gai màu chì và bãi mìn. Trận địa ta là một đường hào chạy dài ngút tầm mắt bao quanh trận địa địch, không có vật cản, thuần một màu đất đỏ tươi, bên trong có nhiều nhánh vươn về phía trận địa địch, trong quá trình phát triển, tự chúng lại mọc thêm những nhánh mới. Vòng vây khổng lồ, sinh sôi nhanh chóng này, chính là cái sẽ quyết định số phận của “con nhím” thép Điện Biên Phủ.
Địch đã phản ứng rất mạnh trước sự phát triển những đường hào, gay gắt hơn cả khi những trung tâm đề kháng của phân khu bắc nối tiếp nhau sụp đổ. Điều đó chứng tỏ chúng ta đang tiến bước trên con đường chiến thắng.
Những đường hào luồn sâu dưới hàng rào dây thép gai của quân Pháp,
từ đây, quân ta dũng mãnh xông lên tiến công quân Pháp.
(Ảnh: tư liệu TTXVN)
Từ mọi hướng, chiến hào của chúng ta vẫn phát triển một cách vững chắc tới gần trận địa trung tâm của địch. Theo đúng kế hoạch, nó đã tiến vào những trung tâm đề kháng, mục tiêu của đợt tiến công sắp tới. Ở phía Đông, nó đã vào gần các cao điểm E, D1, C1, A1. Ở phía Tây, ngày 24/3/1954, một mũi chiến hào chỉ còn cách hàng rào dây thép gai 106, thuộc cụm cứ điểm trực tiếp bảo vệ sân bay Mường Thanh 50 mét.
Nghiên cứu cách bố trí của phân khu trung tâm, chúng ta thấy rõ, trận Điện Biên Phủ sẽ được quyết định trên những cao điểm ở phía Đông, bên tả ngạn sông Nậm Rốm.
Tại đây nổi lên một dãy đồi chạy từ Bắc xuống Nam, hai bên đường 41 và dọc theo bờ sông. Những trái đồi này khống chế toàn bộ phân khu trung tâm, trong đó có Sở Chỉ huy Đờ Cát-xtơ-ri, các trận địa pháo và sân bay. Địch đã tận dụng lợi thế của dãy đồi tổ chức thành một khu vực phòng ngự then chốt với hai trung tâm đề kháng mạnh là Đôminích và Êlian. Mỗi trung tâm gồm nhiều cứ điểm. Những cứ điểm này một phần nằm trên những quả đồi, một phần nằm dưới cánh đồng bên bờ sông. Nhưng quan trọng hơn cả là những cao điểm. Nếu những cao điểm này bị ta chiếm thì những cứ điểm phía dưới không thể tồn tại và toàn bộ các cứ điểm trên cánh đồng bên kia sông Nậm Rốm cũng sẽ bị đe dọa vì hỏa lực bắn thẳng của ta, đặc biệt là pháo binh.
Nhiệm vụ đề ra cho đợt tiến công thứ hai là đánh chiếm các cao điểm phòng ngự phía Đông của khu trung tâm, thắt chặt trận địa tiến công và bao vây khống chế, đi đến đánh chiếm sân bay, hạn chế, đi tới triệt hẳn đường tiếp tế, tiếp viện của địch; tích cực tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch; thu hẹp phạm vi chiếm đóng và vùng trời của chúng, lo điều kiện chuyển sang tổng công kích. Nếu tình hình phát triển thuận lợi, ta sẽ chiếm đại bộ phận khu Đông của địch.
Để tạo điều kiện cho các đơn vị tiến công các cao điểm, ta chủ trương dùng những mũi thọc sâu vào khu Đông tập đoàn cứ điểm, đánh trận địa pháo và những đơn vị cơ động nằm bên tả ngạn sông Nậm Rốm, đặt quân địch trên các cao điểm vào thế bị uy hiếp cả trước mặt và sau lưng.
Ta dự kiến đợt tiến công thứ hai có tính quyết định đối với Chiến dịch.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
--------------------------------------------
Nguồn tham khảo:
- "Điện Biên Phủ - Văn kiện Đảng, Nhà nước". Nxb Chính trị Quốc gia, 2004;
- "Điện Biên Phủ - tuyển tập hồi ký (trong nước)". Nxb Chính trị Quốc gia, 2004;
- Hồi ký "Điện Biên phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nxb Chính trị Quốc gia, 2004;
- Lịch sử Quân sự Việt Nam.