Một góc dưới cứ điểm Độc lập hôm nay.
Năm 1953, thực dân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng Tập đoàn cứ điểm, với nhiều phương tiện vũ khí hiện đại, công sự kiên cố hòng chiếm đóng và âm mưu quân sự lâu dài. Cứ điểm Độc Lập được quân đội Pháp bố trí lực lượng là Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 7, lính đánh thuê người Angiêri, nơi đây được coi là một trong những trung tâm đề kháng mạnh nhất của Pháp tại Điện Biên Phủ. Quân đội Pháp tự hào đây là lực lượng tinh nhuệ, từng được thử thách tại nhiều chiến trường và bất khả chiến bại. Không những thế, cứ điểm này được trang bị vũ khí hiện đại, nhiều hỏa lực mạnh, lại được các đơn vị pháo binh, xe tăng ở trung tâm Mường Thanh yểm trợ và bổ sung khi cần thiết. Hơn 3 giờ sáng ngày 15/3/1954, cứ điểm Độc Lập bị Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 và Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 của bộ đội ta tấn công từ 2 mũi đông nam và đông bắc. Sau gần 4 tiếng đồng hồ chiến đấu mưu lược và dũng cảm của bộ đội ta, toàn bộ cứ điểm Độc Lập bị đánh tan, 483 tên bị chết, số còn lại bị bắt, trong đó có 2 sỹ quan chỉ huy, một số chạy trốn về cứ điểm trung tâm Mường Thanh.
Già làng Lò Văn Hặc, 81 tuổi, dân tộc Thái bản Tông Khao, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) kể rằng: Trước năm 1953, đồi Độc Lập là một khu rừng nhỏ nhưng nhiều cây to, rậm rạp. Khi thực dân Pháp chiếm đóng chúng bắt nhân dân bản Tông Khao, bản Mển, bản Mớ… đến đây chặt cây, phát quang đồi để làm công sự. Lấy cây rừng không đủ, lính Pháp vào bản phá nhà dân lấy cột làm công sự. Do ảnh hưởng của cuộc chiến tàn khốc, cứ điểm Độc Lập bị cày xới, hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn, công sự chằng chịt, ngổn ngang hàng rào dây thép gai, mảnh vỡ của bom mìn, nhà ở của nhân dân bị phá hỏng. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), nhân dân các bản xung quanh cứ điểm cùng bộ đội ta thu dọn chiến trường, cải tạo đồng ruộng, sửa chữa nhà cửa, xây dựng cuộc sống mới. Ông Hặc cho biết: Sau giải phóng, bản Tông Khao nói riêng, vùng lòng chảo Điện Biên Phủ nói chung hầu hết nhân dân không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông. Sản xuất lúa ruộng một vụ/năm, năng suất thấp, đa số các hộ thiếu ăn lúc giáp hạt. Thời điểm đó, xã Thanh Nưa chưa có trường học, trụ sở UBND xã, trạm y tế, đường liên bản đi theo bờ ruộng… Hết chiến tranh nhân dân các bản xung quanh cứ điểm Độc Lập thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh phong trào học tập xóa mù chữ, xây dựng hương ước đẩy lùi hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng quê hương đổi mới.
Trong 60 năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế, Điện Biên được đầu tư xây dựng và phát triển mọi mặt. Quân dân các dân tộc Điện Biên đoàn kết thi đua lao động, học tập, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng xóm làng. Điện Biên Phủ đã đổi thay không ngừng, dưới chân đồi Độc Lập chiến trường ác liệt ngày nào, bây giờ là dòng kênh tả mang nước mát tưới cho hàng nghìn héc ta lúa 2 vụ/năm phía tây vùng lòng chảo Mường Thanh. Xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên (nơi có cứ điểm Độc Lập) bây giờ hộ nghèo chỉ còn 11,18%, 9 thôn bản đạt tiêu chuẩn văn hóa, 5 thôn bản có đường bê tông, đường nhựa đi qua, 3 trường đạt chuẩn quốc gia, bình quân lương thực gần 400kg/người, các thôn bản đã có điện lưới quốc gia… Cách cứ điểm không xa là hệ thống trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, trụ sở UBND xã, trạm y tế, điểm bưu điện văn hóa… được xây dựng kiên cố. Mọi người dân được học tập, các bản hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, một số người trở thành cán bộ cấp cao của địa phương và Trung ương. Cứ điểm Độc Lập oanh liệt và hào hùng, cuộc sống mới đang đổi thay từng ngày, hoa ban đã nở trên miền đất đầy bom đạn ngày nào.
Nguồn: baodienbienphu.com.vn