Huê “chết”
Vốn là một phụ nữ tháo vát, nhanh nhẹn, chị G. (Nhơn Hải – Ninh Hải) cùng chồng chăm chỉ làm ăn, tạo dựng được cuộc sống gia đình no ấm. Trước sức cám dỗ của tiền lời, cũng như nhiều phụ nữ khác trong thôn, chị G. bắt đầu tham gia chơi huê. Có được số tiền “hốt” từ những đầu huê “non”, chị sắm sửa tiện nghi trong nhà, mua xe máy và đầu tư cho quán cơm. Quán ngày nào cũng đắt khách, thế nhưng thu nhập của hai vợ chồng chẳng thể “đắp” nổi số tiền nộp huê trên 1 triệu đồng mỗi ngày. Tình cảm gia đình đã có lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, lại thêm “nhà cái” ráo riết đòi tiền huê. Bế tắc vì nợ nần, u uất chuyện vợ chồng lạnh nhạt, trong lúc nghĩ quẩn, chị G. đã uống thuốc diệt cỏ để tự tử. Cái chết của người phụ nữ trẻ in hằn nỗi đau trong lòng những người thân, bỏ lại cho người chồng hai đứa con thơ dại.
Cũng là một huê “chết” (tức đầu huê đã rút tiền trước-PV) và mắc nợ nhà “cái” hơn chục triệu đồng, chị Th. (Phước Hậu – Ninh Phước) bị chồng la rầy, trách móc. Vừa buồn vừa giận bản thân, chị bỏ nhà đi. Nhưng thương 3 đứa con nhỏ, chị quyết định trở về, chuyên tâm cùng chồng làm ăn và trả nợ huê “chết”. Lạ lùng là sau đó, chị lại tiếp tục “nuôi” một đầu huê khác.
Đổ nợ vì chơi huê không phải là trường hợp hiếm gặp hiện nay. Hầu như đến địa phương nào, ngồi lê la hỏi chuyện cũng được các bà, các cô kể cho nghe hết trường hợp này bị đổ nợ, đến trường hợp kia bị “nhà cái” giật huê, mất tiền mà chẳng dám kêu ai. Thực tế là vậy, nhưng lãi huê quá cao khiến cho các chị em mờ mắt lao vào mà không biết hậu quả luôn rình rập mình.
Lãi từ 20-30% hay lỗ 100%?
Huê là một hình thức huy động vốn trong dân gian có từ rất lâu. Huê không có lãi đã được vận dụng thành các tổ góp vốn xoay vòng của các chi hội Phụ nữ, mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Tuy nhiên, hình thức “thu hút” được đông đảo người tham gia hơn là huê có lãi, với số tiền mỗi dây huê có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Chị K., một công chức nhà nước cho hay, chị chơi một đầu huê 1 triệu đồng/tháng, có 10 người tham gia. Mỗi tháng, chị chỉ đóng tiền cho “cái” từ 700.000 – 800.000 đồng. Số tiền này được gom cho các con huê “hốt non”. Người đã hốt huê trở thành huê “chết” và phải đóng 1 triệu đồng mỗi tháng tiếp theo. Nếu là người “hốt” cuối, chị sẽ được 9 triệu đồng, so với tổng số tiền phải đóng trong 9 tháng trước đó, chị lãi từ 20-30%. So với mức lãi suất ngân hàng thì khoản lời từ việc chơi huê quá hấp dẫn. Chị K. cũng cho biết, các thành viên phải đóng tiền phí 40.000 đồng/người/tháng cho “nhà cái”, đây là khoản tiền trả công thu gom tiền và quản lý sổ sách cho dây huê.
Đa số những người chơi huê thường cùng một lúc tham gia nhiều dây huê khác nhau. Đó là lý do khi có nhà cái “giật” huê, các con huê thường điêu đứng vì số tiền gom góp, dành dụm không hề nhỏ. Tâm lý ngại dính líu đến cơ quan công quyền cũng như sự thiếu hiểu biết về pháp luật mà người chơi huê khi bị “giật” ít trình báo công an hoặc kiện tụng ra tòa. Nghị định 144/2006/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường do Chính phủ ban hành ngày 27-11-2006 có quy định chi tiết về các hình thức, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia huê. Theo đó, hoạt động huê vẫn được pháp luật thừa nhận và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mọi người nếu xảy ra tranh chấp, vỡ huê. Trường hợp bà Phan Thị Cái (SN 1959, ngụ khu phố 5, thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn) bị Tòa án nhân dân tỉnh xử sơ thẩm vào cuối tháng 9-2013 và tuyên phạt 15 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một bằng chứng xác thực. Trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến tháng 5-2012, bà Cái đã chiếm đoạt hơn 14 tỷ đồng, là số tiền cho vay, chơi huê của 54 người.
Rõ ràng, dù là con huê hay nhà cái, việc mạo hiểm với đồng tiền của bản thân và người khác đều mang rủi ro như nhau. Nguy cơ mất tiền hoặc vỡ nợ, thậm chí phải đứng trước vành móng ngựa luôn thường trực, và cái “lưỡi” phía bên kia của con dao là khoản lời bỏ xa lãi suất ngân hàng đã lôi kéo nhiều người vào cuộc và không ít người “tán gia, bại sản” vì huê hụi.
Bảo Bình – Trang Nhung