Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, Hội đồng Cung cấp mặt trận thành lập ở trung ương do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm chủ nhiệm. Ngoài ra, các địa phương cũng thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận cấp liên khu và cấp tỉnh. Công tác điều hành được phân thành hai tuyến chính: Tuyến hậu phương và tuyến chiến dịch. Tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp và Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương; Liên khu Việt Bắc, Liên khu III và Liên khu IV đảm nhiệm, chuyển hàng từ Việt Bắc tới Ba Khe, từ Liên khu III, Liên khu IV tới Suối Rút. Tuyến chiến dịch do Tổng cục Cung cấp tiền phương và hội đồng cung cấp mặt trận khu Tây Bắc chịu trách nhiệm, đưa hàng từ Ba Khe và Suối Rút lên mặt trận Điện Biên Phủ...
Đội hình vận tải lương thực bằng xe thồ phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Ngay sau khi có nghị quyết, các đơn vị khẩn trương lên đường phục vụ chiến dịch. Ngoài công việc chỉ đạo ngành chuyên môn, mỗi cán bộ còn được giao phụ trách một tuyến hậu cần chiến dịch: Cục trưởng Vận tải Đinh Đức Thiên phụ trách vận chuyển đoạn quốc lộ 41 từ Sơn La lên Tuần Giáo; Cục phó Vận tải Vũ Văn Đôn chịu trách nhiệm từ Tuần Giáo đến Nà Tấu (kilômét 62). Cục trưởng Cục Quân nhu Nguyễn Thanh Bình đặc trách công tác vận chuyển tại hỏa tuyến (từ kilômét 62 tới các đơn vị). Cục trưởng Cục Quân khí Nguyễn Văn Nam cùng đồng chí Bằng Giang, Tư lệnh Quân khu Tây Bắc, bảo đảm tuyến vận chuyển trên sông Nậm Na về thị xã Lai Châu (nay là thị xã Mường Lay của tỉnh Điện Biên).
Được Trung ương giao nhiệm vụ chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lai Châu đã tích cực, chủ động phục vụ với tinh thần cao nhất; cùng với cả nước chi viện sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ngay từ khi nhận Chỉ thị của Trung ương và Khu uỷ lâm thời Tây Bắc, Ban Cán sự tỉnh đã nhận thức được tầm quan trọng của chiến dịch, thấy rõ đây là một quyết tâm chiến lược của Đảng, tầm cỡ chiến dịch rất lớn, nên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân dồn sức thực hiện. Lai Châu có vinh dự lớn là chiến dịch ấy lại diễn ra tại địa bàn của tỉnh, song nhiệm vụ cũng rất nặng nề. Ban Cán sự động viên nhân dân các dân tộc tập trung cao nhất sức mình, để góp phần thực hiện bằng được quyết tâm giành chiến thắng, giải phóng Điện Biên, mà Đảng đã đề ra.
Ban Cán sự và Ủy ban Kháng chiến hành chính đã chuyển văn phòng về hang Thẩm Púa (Tuần Giáo), để tiện cho việc chỉ đạo các huyện và gần Bộ Chỉ huy chiến dịch, phục vụ các nhiệm vụ hậu cần mà chiến dịch đặt ra đối với địa phương. Ban Cán sự phân tỉnh thành 3 vùng và ấn định nhiệm vụ cụ thể cho từng vùng, như sau: Vùng tự do: Gồm các châu Quỳnh Nhai, Thuận Châu (ngày ấy thuộc Lai Châu) và Tuần Giáo, có nhiệm vụ tăng gia sản xuất, chống đói, tiến hành chỉnh lý thuế nông nghiệp, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, đi dân công sửa chữa cầu đường để phục vụ chiến đấu. Vùng mới giải phóng: Gồm thị xã Lai Châu, Mường Lay, Mường Tè và Sìn Hồ, có nhiệm vụ ổn định đời sống nhân dân, tuyên truyền đường lối của Chính phủ, tích cực xây dựng cơ sở cách mạng, đào tạo cốt cán, quét sạch tàn binh, thổ phỉ, gián điệp và Việt gian bán nước. Vùng địch tạm chiếm đóng (cánh đồng Mường Thanh của châu Điện Biên), có nhiệm vụ trực tiếp phục vụ cho chiến dịch và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng tiếp quản khi quân ta vào giải phóng.
Khắp các địa phương trong tỉnh từ vùng cao đến vùng thấp, đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Hà Nhì, Mảng Ư... đều thi đua phục vụ chiến dịch. Chị em phụ nữ người dân tộc xưa nay vốn không hay đi xa nhà, chỉ quay sợi dệt vải, lo nội trợ gia đình; nay theo tiếng gọi của Đảng cũng nô nức lên đường, chẳng quản bom đạn, khó khăn đã cùng với nam giới làm đường, gánh gạo, tải thương... Nhiều gia đình mang cả ngựa thồ, thuyền mảng của nhà mình đi chở vũ khí, lương thực phục vụ vài ba tháng; nhiều người đã hết thời gian quy định vẫn tình nguyện phục vụ lâu thêm. Theo báo cáo của Khu uỷ Tây Bắc, nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đóng góp cho chiến dịch Điện Biên Phủ, như sau: Gạo 2.666 tấn (vượt mức giao 64 tấn); thịt 226 tấn (vượt 43 tấn); rau xanh 210 tấn. Huy động được 16.972 dân công, tính ra bằng 517.210 ngày công; 348 con ngựa thồ; 38 thuyền mảng. Góp hơn 25.070 cây gỗ các loại để chống lầy, làm đường cho xe pháo vượt qua. Trong cả chiến dịch, nhân dân các dân tộc Điện Biên đã góp được 555 tấn gạo, 36 tấn thịt, 104 tấn rau, 64.070 ngày công. Những tấn gạo, thịt, rau ở ngay chiến trường này đặc biệt quý giá, vì không những nó có giá trị dinh dưỡng tươi ngon hơn việc chuyển từ hậu phương xa đến, mà còn giải quyết được kịp thời, tại chỗ cho bộ đội.
Giờ đây, 60 năm sau trận Điện Biên Phủ huy hoàng, tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về mọi mặt. Thống kê cho thấy những năm qua nền kinh tế trong tỉnh liên tục tăng trưởng ở mức khá cao (năm 2013 tăng trưởng 8,55%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Nông, lâm nghiệp phát triển khá toàn diện, chú trọng phát triển thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới vào sản xuất, thâm canh, tăng vụ... . Năm 2013 bình quân GDP đầu người đạt trên 20 triệu đồng; sản lượng lương thực đạt trên 23 vạn tấn, tăng 1,7 lần so với năm 2000, bình quân lương thực đạt trên 420 kg/người/năm; từ chỗ thiếu lương thực, những năm gần đây tỉnh đã tự túc được lương thực và có một phần trở thành hàng hóa bán ra bên ngoài.
Tinh thần Điện Biên Phủ đã và đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên “cụ thể hóa” bằng những con số thống kê sinh động và cụ thể. Nhớ lời căn dặn chí tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ huy trận đánh “chấn động địa cầu” - mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức, đơn vị, đoàn thể và mọi cá nhân ở Điện Biên, dồn tâm huyết phấn đấu làm một Điện Biên Phủ trong xây dựng và phát triển kinh tế - văn hóa...
Nguồn baodienbienphu.com.vn