Theo Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), để xây dựng dự thảo Pháp lệnh này, TANDTC đã tổ chức nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án; đánh giá tác động và xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của Dự án Pháp lệnh; tổ chức nghiên cứu, tham khảo pháp luật của một số nước; tổ chức các cuộc họp, buổi làm việc của Ban soạn thảo, Tổ biên tập để xây dựng dự thảo Pháp lệnh... Dự thảo Pháp lệnh trình UBTVQH gồm 8 chương, 58 điều.
Tuy nhiên, Dự thảo Pháp lệnh này nhận được nhiều phản hồi không tốt của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật và các thành viên UBTVQH.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thẳng thắn đánh giá: Dự thảo Pháp lệnh trình UBTVQH lần này vẫn là dự thảo cũ mà Ủy ban Tư pháp đã có ý kiến thẩm tra tại phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp ngày 07/08/2013, không có nội dung nào được chỉnh sửa mới (vẫn Tờ trình và dự thảo cũ). “TANDTC cũng không có báo cáo giải trình lý do giữ nguyên dự thảo Pháp lệnh đã trình lần 1” – ông Nguyễn Văn Hiện nói.
Ủy ban Tư pháp cũng chỉ ra hàng loạt quy định của Dự thảo Pháp lệnh chưa bảo đảm tính hợp hiến và tính thống nhất của hệ thống pháp luật
Theo cơ quan này, Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật” (khoản 2 Điều 14). Tuy nhiên, một số quy định cụ thể của dự thảo Pháp lệnh cần được xem xét lại do đã hạn chế quyền cơ bản của công dân (quy định về hành vi bị xử lý, người bị xử lý… mở rộng hơn so với quy định của các đạo luật tố tụng, hạn chế quyền khởi kiện vụ án hành chính của người bị xử phạt…).
Bên cạnh đó, nhiều quy định của dự thảo Pháp lệnh không phù hợp, trái các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Phá sản, Luật Thi hành án dân sự, Luật Báo chí, Luật Khiếu nại.
Điển hình như về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Điều 26 của dự thảo Pháp lệnh quy định thẩm quyền của Tòa án bao gồm: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phá sản, Chánh án Tòa án cấp huyện, Chánh tòa chuyên trách Tòa án cấp tỉnh, Chánh án Tòa án cấp tỉnh, Chánh Tòa phúc thẩm TANDTC, Chánh Tòa chuyên trách TANDTC, Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Chánh án TANDTC. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định tại Điều 48 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc, Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Chánh án TANDTC không được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Mặt khác, Chánh án Tòa án quân sự khu vực, Chánh án Tòa án quân khu và tương đương được giao thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 48 của Luật XLVPHC thì lại không được cụ thể hóa trong dự thảo Pháp lệnh.
Về thẩm quyền tạm giữ người có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án theo thủ tục hành chính: Theo dự thảo Pháp lệnh, người có thẩm quyền xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người. Tuy nhiên, theo quy định của Luật XLVPHC thì chỉ có Thẩm phán chủ tọa phiên tòa mới có quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Như vậy, quy định của dự thảo Pháp lệnh không thống nhất với quy định của Luật XLVPHC và cũng không thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự “Người có hành vi vi phạm nội quy phiên tòa thì tùy theo mức vi phạm mà có thể bị chủ tọa phiên tòa quyết định phạt cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính” (khoản 1, Điều 387) và của Bộ luật Tố tụng hình sự “Những người vi phạm trật tự phiên tòa thì tùy theo trường hợp có thể bị chủ tọa phiên tòa cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bị bắt giữ” (Điều 198).
Một số hành vi bị xử lý quy định tại Điều 16 của dự thảo Pháp lệnh cũng chồng chéo với quy định của nhiều văn bản quy định chi tiết thi hành Luật XLVPHC...
Đáng chú ý, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh: “Dự thảo Pháp lệnh có 26 điều, khoản trùng lặp với quy định trong Luật XLVPHC là trái với quy định tại khoản 2, Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.
Tại Phiên họp, các ý kiến thành viên UBTVQH đều bày tỏ nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu quan điểm: Luật XLVPHC có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, như vậy, bây giờ ban hành Pháp lệnh đã là rất muộn. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và cần hoàn chỉnh gấp dự thảo Pháp lệnh này để trình UBTVQH trong thời gian sớm nhất.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhận xét, dự thảo Pháp lệnh trình UBTVQH lần này không có gì thay đổi so với lần trước; dự thảo Pháp lệnh chưa đạt yêu cầu, vì vậy cần soạn thảo lại.
Kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá: dự án Pháp lệnh này đã được Ủy ban Tư pháp thẩm tra 2 lần vào ngày 07/08/2013 và ngày 08/03/2014. Cơ quan thẩm tra đã nêu ra rất nhiều quy định của dự thảo Pháp lệnh chưa bảo đảm tính hợp hiến và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo không chỉnh sửa, chất lượng dự thảo Pháp lệnh trình UBTVQH rất thấp.
Từ những phân tích của các thành viên UBTVQH, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị lại dự thảo Pháp lệnh để bảo đảm chất lượng, đúng mục đích, yêu cầu nội dung, phạm vi điều chỉnh theo Nghị quyết số 23 của Quốc hội, đồng thời bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam