Cần có chính sách hỗ trợ người dân Khu tái định cư xã Phước Thắng ổn định đời sống

(NTO) Do thói quen canh tác, cộng với việc gặp nhiều khó khăn về sản xuất nên từ nhiều năm nay, không ít người dân xã Phước Thắng (Bác Ái) sau khi được cấp đất, nhà ở tại khu tái định cư đã bỏ về lại làng cũ sinh sống.

Thực hiện Dự án di dân tái định cư để xây dựng hồ thủy lợi Song Sắt, năm 2005 xã Phước Thắng có 618 hộ dân, thuộc 4 thôn ở khu vực lòng hồ được chuyển đến Khu tái định cư xã Phước Thắng. Về nơi ở mới, với nhiều công trình mới được đầu tư xây dựng khá khang trang. Cùng với việc cấp nhà ở, mỗi hộ dân được cấp 600m2 đất ở, đất vườn. Mỗi khẩu được cấp khoảng 5.000m2 đất sản xuất. Tổng diện tích khu đất mà địa phương san ủi để cấp cho dân là 593 ha. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhiều hộ đã bỏ về lại nơi ở cũ, dựng chòi tại những vùng ven lòng hồ để sinh sống. Theo thống kê, đến nay đã có 69 hộ/334 nhân khẩu ở các thôn Ha Lá Hạ, Chà Đung, Ma Oai về lại làng cũ.

 
Nhiều nhà dân ở khu tái định cư, bị tốc mái chưa được sửa chữa, khắc phục.

Theo đồng chí Pi-năng Tấn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Thắng, nguyên nhân khiến đồng bào bỏ về làng cũ có một phần do gặp khó khăn về sản xuất. Một số diện tích đất được cấp cho người dân ở khu tái định cư không đồng đều, có nhiều diện tích đất đá sỏi, bạc màu, không có khả năng canh tác, nên có đến 30% diện tích đất đã cấp phải bỏ hoang. Riêng, ở cánh đồng thôn Ma Oai mặc dù có hệ thống kênh mương cấp 3 về nhưng vẫn không đủ nước tưới phục vụ cho sản xuất do ở vùng dốc cao và cuối kênh. Chưa kể hệ thống nước sinh hoạt, nhà ở, đường sá chưa được ổn định… Một nguyên nhân nữa khiến người dân bỏ làng lên rẫy phần vì tập quán sản xuất của đồng bào và thói quen sống tại làng cũ, nơi có đất đai tương đối nhiều và tốt, thuận lợi để canh tác và chăn nuôi gia súc. Chính vì thế, mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động về lại khu tái định cư nhưng bà con về được ít bữa rồi lại “trốn” lên rẫy cũ cách khu tái định cư trên 10 km.

Đồng chí Pi-năng Thị Thủy, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho rằng, nguyên nhân sâu xa là do trước khi thực hiện công tác di dời, đơn vị chức năng không đánh giá được chất lượng đất và khả năng thích ứng của người dân. Hơn nữa, đáng lẽ phải lo công tác định canh trước rồi mới lo định cư để khi người dân về có cái ăn thì họ mới gắn bó được với nơi ở mới.

Qua thăm dò ý kiến của người dân, có 34 hộ có nguyện vọng được tiếp tục ở lại làng cũ sinh sống (thôn Ha Lá Hạ 33 hộ, thôn Chà Đung 1 hộ); các hộ còn lại cùng có ý kiến nếu như ổn định đất sản xuất được thì họ sẽ về khu tái định cư.

Trước thực trạng đó, trong những năm qua, UBND huyện đã có nhiều giải pháp tập trung phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng tái định canh, định cư như: đầu tư hệ thống kênh mương cấp 2, 3 hồ thủy lợi Sông Sắt; cải tạo, phục hóa đất sản xuất, tạo ruộng bậc thang; thực hiện các mô hình sản xuất, chăn nuôi, dạy nghề cho lao động nông thôn và các chính sách an sinh xã hội đều được huyện ưu tiên quan tâm đầu tư. Đối với những vùng đất xấu, mặc dù huyện đã tìm nhiều cách để khắc phục nhưng vẫn chưa có hướng nào hiệu quả.

Thời gian tới, huyện đề xuất với tỉnh sớm cho chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tổ chức khai hoang đất sản xuất cho nhân dân. Đồng thời có chính sách hỗ trợ kinh phí để tiếp tục triển khai các mô hình sản xuất, tạo điều kiện cho nhân dân ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất tại nơi ở mới. Ở khu vực cánh đồng thôn Ma Oai, huyện dự kiến mở rộng tuyến kênh mương đi thẳng vào cánh đồng, cho đặt máy bơm để bơm nước vào vùng đất cao, giúp bà con có nước phục vụ sản xuất.

Qua khó khăn của người dân khu tái định cư xã Phước Thắng, rất cần có sự phối hợp của các ngành chức năng để cùng với địa phương có hướng khắc phục, tháo gỡ, nhằm ổn định đời sống lâu dài cho người dân nơi đây.