(NTO) Đổi mới kiểm tra đánh giá là một yêu cầu cấp thiết đang đặt ra cho ngành giáo dục nói chung và cho riêng các môn khoa học xã hội nói riêng, trong đó có môn Ngữ Văn. Bởi thực tế, nền giáo dục của chúng ta còn nặng mục đích thi cử. Học để thi. Thi gì học nấy. Do vậy, qua một thời gian dài, việc Kiểm tra đánh giá của chúng ta ngày một khuôn vào thi cử, nên ngày càng xơ cứng, lối mòn , chỉ đơn thuần tái hiện kiến thức…nhằm dễ dàng và an toàn cho việc ra đề thi, việc chấm thi thống nhất và nhanh chóng nhất. Với môn Ngữ Văn cấp THPT, quanh quẩn vài ba bài thơ, năm bảy truyện ngắn…hết phân tích, chứng minh…rồi bình giảng. Thầy bình, trò ghi…rồi học thuộc, chép lại…trả cho người chấm.
Là một giáo viên dạy môn Ngữ Văn, phải đọc lại nguyên xi những gì mình đã giảng cho học sinh thì thật buồn và ngán. Bài làm văn là dịp đánh giá tổng hợp và toàn diện năng lực ngôn ngữ và văn chương của học sinh. Do vậy, yêu cầu đầu tiên là những kỹ năng diễn đạt như dùng từ, đặt câu, dựng đoạn, lập luận chặt chẽ, cách chọn và đưa dẫn chứng, cách chọn ý – sắp xếp ý và chuyển ý, cách đặt vấn đề- giải quyết vấn đề- kết luận vấn đề…Tiếp đến là yêu cầu về kiến thức phải chuẩn mực và phong phú trong tầm đón nhận-hiểu biết chân thành của học sinh. Có thể có những hiểu biết khác biệt, những cách nhìn hồn nhiên của các em..miễn là biết cách lí giải lô-gic. Chúng ta không ép buộc các em phải có những lí giải uyên thâm như một nhà lí luận văn học, điều mà chúng ta đang gắng làm và dẫn đến học sinh đối phó bằng văn mẫu ! Bởi qua môn Ngữ Văn, người thầy phải thấy được và giúp đỡ quá trình “ đang lớn” về nhận thức và tình cảm, tâm hồn của học sinh. Do vậy, một yêu cầu nữa của bài văn là cảm xúc, sự chân thành của người viết. Đừng để bài văn rơi vào gượng ép, khô khan, lên gân hay sáo mòn…Do đó, giải pháp phổ biến hiện nay của ngành giáo dục chúng ta là ra đề mở.
Thế nào là đề mở? Tôi nghĩ,đề mở là dạng đề tự luận có tính đổi mới, gỡ bỏ những bó buộc của dạng đề cũ, để người viết được bày tỏ những cảm nhận và quan điểm riêng của mình.
So với cách ra đề cũ, tạm gọi là đề đóng, cách ra đề Văn mở có nhiều tác dụng sau:
a- Đề mở đã bỏ đi các yêu cầu về phương pháp như phân tích, bình luận, giải thích, chứng minh…giúp học sinh thoải mái tự chọn phương pháp và thao tác phù hợp, sở trường nhất để trình bày vấn đề đầy đủ, thuyết phục.
b-Đề mở cũng bỏ đi những giới hạn về phạm vi tư liệu như ở đề cũ, kiểu như “ Qua ba bài thơ đã học trong chương trình”; nhờ đó người viêt có điều kiện phát huy cao độ những hiểu biết phong phú của mình để minh họa cho luận điểm. Qua đó phát triển tính chủ động về lựa chọn thông tin, kiến thức của học sinh.
c-Đề mở thường hướng đến những vấn đề mới mẻ - “có vấn đề”, gần gũi và thời sự với cuộc sống; nhờ đó tạo hứng thú làm bài cho học sinh, buộc các em phải tự suy nghĩ, sáng tạo, tự bày tỏ quan điểm và tranh luận để bảo vệ chính kiến của mình. Cũng là dịp giúp các em nhận thức về cuộc sống, thử trải nghiệm để rút ra bài học cho bản thân. Ví dụ như đề thi tốt nghiệp THPT vừa qua, câu Nghị luận xã hội bàn về tấm gương dũng cảm hi sinh của em Nam, đã được hầu hết học sinh thích thú. Các em tự đặt mình vào tình huống của Nam hay tương tự…để tìm ra cách sống, lẽ sống cho riêng mình.
d-Đề mở còn hay ở chỗ, không chỉ dừng lại ở yêu cầu tái hiện kiến thức theo sách vở hay thầy cô một cách thuộc lòng, mà đặt ra yêu cầu vận dụng vào việc lí giải, đánh giá…ý nghĩa, giá trị…của vấn đề đặt ra hay giải quyết một vấn đề tương tự. Nhờ đó, tư duy và kỹ năng của các em được rèn luyện, chủ động và sáng tạo hơn. Bỏ đi thói quen thụ động, ỷ lại, sao chép máy móc…trong học tập và kiểm tra.
Tuy nhiên, với nhiều em đã quen cách làm bài theo đề cũ, việc làm bài theo để mở chưa quen và chưa hiệu quả. Do vậy, để làm tốt một đề Văn mở, học sinh cần trang bị những kỹ năng cơ bản sau:
- Kỹ năng phân tích đề bài, để xem xét mức độ và khía cạnh mà để đã “ mở” để làm đúng hướng, vừa tránh viết theo lối đề cũ, vừa tránh cách viết lan man. Chú ý tập trung vào hướng mà đề muốn “mở” cho người viết thể hiện hết năng lực. Xem đề bài mở về phương pháp, phạm vi tư liệu hay quan điểm…
- Kỹ năng phản biện, tranh luận, biết “nhìn” và giải quyết vấn đề với nhiều góc độ, nhiều quan điểm và giải pháp; từ đó trình bày, bảo vệ chính kiến của mình.
- Kỹ năng huy động kiến thức từ nhiều nguồn thông tin, từ cuộc sống, nhất là những trải nghiệm của bản thân. Bởi với đề mở, viết văn không phải để trả bài, mà là dịp để “ trải lòng”, để sống với chính mình. Cần tránh sự vay mượn, lên gân, hay thêu dệt…
Như vậy, để làm tốt đề văn mở, thầy cô giáo phải đổi mới cách dạy và học sinh cũng phải biết cách “học mở”, phải biết tự học từ nhiều nguồn, phải tích cực chủ động trong giờ học Văn.
Trong những năm gần đây, sau khi không thành công với dạng đề trắc nghiệm bởi không phù hợp với đặc thù bộ môn, nhiều nơi đã tập trung hướng vào việc ra đề mở. Tuy nhiên, đề mở như thế nào mới phù hợp? “ Mở” cái gì? Và “ mở” đến đâu? Đây là vấn đề mà mỗi nơi, mỗi thầy cô giáo vận dụng mỗi cách khác nhau. Theo tôi, khi thực hiện đề mở, phải dựa vào các cơ sở sau:
- Đề mở phải phù hợp với đối tượng học sinh cần kiểm tra đánh giá. Đề phải gần gũi với lứa tuổi, phải thực từ cuộc sống, phải mới mẻ và “có vấn đề” để tạo sự hứng thú và phát huy sáng tạo của học sinh.
- Đề mở phải căn cứ vào mục đích và loại bài kiểm tra đánh giá. Với bài kiểm tra 15 phút hay 1 tiết, có thể tính mở rộng hơn, nhưng với những kì thi quan trọng như thi tốt nghiệp THPT hay ĐH-CĐ, đề bài cần mở có giới hạn và định hướng.
- Đề ra phải đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng và hiệu quả giáo dục. Một số giáo viên vì chỉ chăm chú vào kỹ thuật ra đề mở mà quên mất mục đích giáo dục của bài kiểm tra. Ví dụ như yêu cầu học sinh thử nghiệm nhập vai vào người say rượu, người nghiện thuốc lá…như đã từng xảy ra đây đó.
Từ những căn cứ trên, người ra đề xác định mức độ “ mở” và khía cạnh “ mở” của đề bài. Với phần Nghị luận xã hội, cần mở về phương pháp- thao tác, phạm vi tư liệu, quan điểm…nhưng giới hạn về dung lượng ( quy định số trang, dòng, chứ không nên quy định số từ như nhiều nơi hay thực hiện). Với phần Nghị luận văn học cần mở về phương pháp- thao tác, dung lượng…nhưng phải gắn với kiến thức văn học trong chương trình, chứ khổng thể thoát ly tùy tiện, phải dùng kiến thức văn học- lí luận để giải quyết yêu cầu của đề bài.
Việc đổi mới Kiểm tra đánh giá, đổi mới cách ra đề Văn là hết sức cần thiết, song cần phải thống nhất cho giáo viên có quan niệm đúng đắn về đề mở, tránh ra đề mở theo kiểu tùy tiện, dễ dãi, thiếu giới hạn, gây sốc… Một ví dụ tiêu biểu như trong kì thi tuyển chọn Học sinh Giỏi Thành phố Hải Phòng vừa qua đã đưa ra vấn đề không chuẩn, không phù hợp với học sinh phổ thông . Một số đề mở quá sức so với học sinh bởi “ độ mở” của đề quá lớn, thiếu định hướng cả phương pháp- thao tác, phạm vi tư liệu, lĩnh vực kiến thức, dung lượng bài viết ( Ví dụ như những đề bài: Đẹp, Sức mạnh của trái tim...). Với từng đối tượng học sinh và tính chất kì kiểm tra để xác định “ mở” một hay nhiều khía cạnh trên.
Bản thân người viết rất tâm đắc với những đề mở của Bộ GD-ĐT trong những năm gần đây, ở phần Nghị luận xã hội, tiêu biểu như đề thi Tốt nghiệp THPT năm nay, về tấm gương dũng cảm hy sinh của em Nam. Nói chung, những vấn đề nóng hởi của đời sống, lẽ sống dễ tạo sự hứng thú và sáng tạo cho học sinh. Qua thực tế, tôi nhận thấy các em rất say sưa với những đề bài như:
“ Em có đồng ý với những quan niệm của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ Nhàn? Tuổi trẻ ngày nay có nên hưởng nhàn không ?”
“ Giữa Huấn Cao và Viên quản ngục, em thấy nhân vật nào đẹp hơn?”
“ Lẽ ra,Chí Phèo không nên tự sát !”
“ Với người học sinh Trung học phổ thông, thế nào là cách sống đẹp ?”
“Quan điểm của em về ý kiến: Tuổi trẻ phải thể hiện mình”
….
Tuy nhiên, ra đề mở chỉ là một khâu của quá trình đổi mới kiểm tra đánh giá. Nó phải đi liền với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy…đặc biệt là cách xây dựng đáp án và cách chấm. Đề Văn mở đòi hỏi đáp án phải mở ( đề mở mức độ nào, khía cạnh nào thì đáp án mở mức độ và khía cạnh ấy). Cách chấm cũng phải linh hoạt, dân chủ, tôn
trọng. Người thầy, qua chấm bài, vừa đánh giá kiến thức kỹ năng của học sinh, vừa lắng nghe, chia sẻ và uốn nắn những tình cảm, quan điểm, cách nhìn nhận…” đang lớn” của các em. Có như vậy môn Ngữ Văn mới thực sự trở thành môn học yêu thích, bồi dưỡng tâm hồn cho học sinh. Người thầy mới có dịp nghe các em nói thật, trải lòng, để trở thành những kỹ sư tâm hồn !
Nguyễn Văn Tường
Giáo viên Trường PT DTNT Pinăng Tắc