Cái tên Hồ Duy Trúc thời gian qua đã nổi tiếng với vai trò là người cầm đầu băng cướp khét tiếng gây xôn xao dư luận TP. Hồ Chí Minh và cả nước với thủ đoạn dùng hung khí chém vào tay và cổ các nạn nhân để cướp xe và tài sản. Bản án tử hình dành cho Trúc được tuyên bởi Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh vào ngày 25-12-2013. Trước đó, ngày 8-11-2013, Tòa án nhân dân huyện Ninh Phước đã xét xử sơ thẩm vụ án cướp tài sản xảy ra trên địa bàn huyện, tuyên phạt Trúc và đồng phạm Nguyễn Hoàng Phương mỗi người 7 năm tù giam. Trúc đã gửi đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Sáng 25-2, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án cướp tài sản nói trên. Ngoài gia đình và người thân của bị cáo, nhiều người dân hiếu kỳ cũng đến dự phiên tòa.
Hồ Duy Trúc bị tuyên y án sơ thẩm trong vụ cướp tài sản trên địa bàn huyện Ninh Phước.
Hồ Duy Trúc sinh năm 1993, trú P.Mỹ Hương, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, là con trai duy nhất trong gia đình. Hoàn cảnh khó khăn nên Trúc chỉ học tới lớp 10 rồi nghỉ. Sau khi gây án ở Tp.Phan Rang-Tháp Chàm và huyện Ninh Phước, tháng 6-2012, Trúc vào TP.Hồ Chí Minh làm nghề điện lạnh và thực hiện hàng loạt vụ cướp với thủ đoạn nguy hiểm. Ngày 24-11-2012, Trúc và đồng bọn bị bắt sau khi gây án trên cầu Phú Mỹ trong vụ “Chặt tay cô gái, cướp xe SH”.
Khi phiên xử chưa bắt đầu, một cô gái trẻ bế đứa con nhỏ cứ lấp ló bên ngoài phòng xét xử, xin lực lượng cảnh sát cho vào gặp mặt Trúc. Sau một lúc thuyết phục, cô được cho phép đứng nép bên cửa phụ. Phút giây ngắn ngủi ấy, Trúc đã được nhìn mặt vợ và đứa con trai chỉ mới 7 tháng tuổi của mình.
Không giống diễn biến phiên xét xử của Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh, phiên phúc thẩm vụ án cướp tài sản diễn ra trong trật tự, không có tiếng la hét, gào khóc, người nhà bị cáo chỉ rấm rứt rơi nước mắt. Ban đầu, cha mẹ Trúc ngồi ở hàng ghế gần cuối phòng xử, sau lại nhích lên bàn trên, cứ thế, đến giữa phiên xét xử, bà Trần Thị Út và ông Hồ Duy Tùng đã ngồi cách hàng ghế bị cáo chỉ 3 dãy bàn.
Ngay khi Hội đồng xét xử vào nghị án, bà Út vội bước gần lên trên để nhìn rõ hơn đứa con trai tội lỗi của mình. Giữa vòng bảo vệ của lực lượng chức năng, bà Út vươn cánh tay gầy còm nắm tay con, nghẹn ngào.
Xét thấy các yếu tố giảm nhẹ đều đã được cân nhắc và áp dụng trong phiên xử sơ thẩm nên tòa quyết định giữ nguyên mức phạt 7 năm tù giam đối với Trúc. Mặc dù không được giảm án, nhưng bà Trần Thị Út, mẹ của bị cáo không tỏ thái độ bức xúc như lo ngại của nhiều người, mà ngược lại, bà nói: “Tòa xử như vậy là đúng rồi. Con tôi có tội, nó phải nhận hình phạt.” Có lẽ bản án tử hình mà Tòa án nhân dân Tp.Hồ Chí Minh dành cho Trúc mới khiến bà và gia đình bận lòng và đau đớn hơn cả. Khi được phóng viên Truyền hình An ninh Ninh Thuận phỏng vấn, bà như được dịp giải bày nỗi lòng: “Xin đài truyền hình gửi lời xin lỗi của chúng tôi đến Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh về những hành động không hay mà chúng tôi đã gây ra. Xin gửi lời xin lỗi đến các bị hại. Con tôi có tội, nó phải đền tội, không có gì oan uổng cả…”
Bảo Bình