Trong bức thư gửi các cán bộ Y tế đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 27-2-1955, Bác Hồ nhấn mạnh nội dung về y đức: “ …Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn…”. Thực hiện lời dạy của Bác, những năm qua đội ngũ cán bộ y tế tỉnh nhà luôn đoàn kết một lòng, phấn đấu vượt lên mọi khó khăn, thực hiện “y tâm”, giữ gìn y đức, nâng cao tay nghề, kinh nghiệm với mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đội ngũ y-bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Ninh Hải thường xuyên rèn luyện y đức, nâng cao tay nghề chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.
Ảnh: Văn Miên
Thực tế cho thấy, nền kinh tế thị trường và những tác động tiêu cực của xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến người thầy thuốc. Đây đó chúng ta còn nghe người dân phàn nàn về thái độ ứng xử, về tình trạng thiếu trách nhiệm, thờ ơ với người bệnh của một bộ phận y, bác sỹ, nhân viên y tế tại một số cơ sở khám, chữa bệnh... nhưng sự thiếu trách nhiệm trong công tác và sự xuống cấp về đạo đức của người thầy thuốc chỉ là một bộ phận nhỏ. Đa số các cán bộ y tế vẫn tâm huyết, tận tụy với nghề, với sự hy sinh thầm lặng của mình. Nhiều thầy thuốc đã nhiệt tâm tích cực tham gia các chương trình khám, chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…Và đã có không ít các thầy thuốc thực sự trở thành những “chiến sĩ áo trắng” trên mặt trận đấu tranh giành lại niềm tin, sức khỏe và tính mạng cho người bệnh.
Y đức là điều căn bản đầu tiên mà mỗi cán bộ y tế không ngừng gìn giữ, trau dồi trong suốt sự nghiệp của mình. Y đức không phải là luật pháp, mà là những qui ước và nguyên tắc được các thành viên trong ngành chấp nhận và trở thành “kim chỉ nam” cho việc hành nghề. Chính vì lẽ đó, điều đáng mừng là dù đời sống còn gặp khó khăn, trong đội ngũ những người làm công tác y tế phần lớn đều rất cần mẫn hàng ngày, hàng giờ chăm sóc, phục vụ người bệnh, cho dù phải đối mặt với nguy hiểm bởi nguy cơ lây nhiễm rất cao. Đối với đa số những người làm ngành y, thì việc nâng cao y đức trước tiên là việc nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ nghiên cứu, chẩn đoán, làm chủ trang thiết bị hiện đại để có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây bệnh, biện pháp điều trị và cách điều trị. Cùng với đó là việc nâng cao tinh thần trách nhiệm để tận tuỵ với người bệnh. Như vậy, điều cốt lõi nhất của y đức vẫn là sự xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của những người Thầy Thuốc.
Xã hội luôn tôn trọng và cũng đòi hỏi trách nhiệm cao ở người thầy thuốc. Suy cho cùng, người thầy thuốc không những giỏi về nghiệp vụ mà còn có tấm lòng của người mẹ hiền. Thực tế cho thấy chỉ có tình yêu thương rộng lớn mới có được sự hy sinh cao cả, để vượt qua mọi gian khó, trở ngại mà cứu người. Và cũng chỉ có tấm lòng yêu thương thực sự mới có được sự cẩn trọng trong nghề nghiệp, để không có những sai sót đáng tiếc xảy ra. Lòng yêu thương, y đức chính là vẻ đẹp, phẩm chất của người thầy thuốc, cần được thắp sáng nhiều hơn nữa trong lòng mỗi y, bác sĩ để sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng đạt được kết quả tốt đẹp hơn, xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Bác Hồ đã dạy: Thầy thuốc như mẹ hiền.
Tuấn Dũng