Nhãn hiệu tập thể và việc đăng ký nhãn hiệu tập thể tại Ninh Thuận

(NTO) Sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng chứng tỏ là một công cụ đắc lực đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Thực tiễn cho thấy, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã rất thành công nhờ có chính sách đúng đắn về SHTT cũng như việc áp dụng chiến lược sử dụng quyền SHTT một cách có hiệu quả trong quá trình sản xuất, chế biến và kinh doanh, mở rộng thị trường.

Nước ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đặt ra cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức, trong đó có vấn đề SHTT. Luật SHTT Việt Nam được thông qua năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã có tác dụng khuyến khích, tạo điều kiện cho các hoạt động sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao các tài sản trí tuệ, phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Trao Bằng chứng nhận Nhãn hiệu tập thể “Măng khô Bác Ái” cho Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Phước Thắng.
Ảnh: Nguyễn Sơn

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, có được sự nhận biết và sự trung thành của người tiêu dùng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Với quy mô sản xuất nhỏ, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi phát triển chiến lược marketing, nhất là đối với các sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống. Vậy có lựa chọn nào cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đó cần nghĩ tới việc đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu tập thể (NHTT) cho sản phẩm của mình. Trong Luật SHTT của hầu hết các nước đều có những điều khoản quy định về việc bảo hộ NHTT.

Theo Luật SHTT Việt Nam ghi rõ:“NHTT là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó” (Điều 4.17).

NHTT thường do một Hiệp hội, một Hợp tác xã sở hữu nhưng bản thân các tổ chức này không sử dụng NHTT mà chỉ những thành viên của họ sử dụng NHTT để tiếp thị sản phẩm. Tổ chức tập thể sở hữu nhãn hiệu trao cho các thành viên của mình quyền sử dụng NHTT với điều kiện họ phải đáp ứng và tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy định trong quy chế quản lý và sử dụng NHTT. NHTT có thể là một phương thức có hiệu quả để tiếp thị sản phẩm của một nhóm các doanh nghiệp mà nếu thực hiện riêng lẻ sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều. Chủ sở hữu NHTT có trách nhiệm đảm bảo các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu nhất định. Chức năng của NHTT là chỉ dẫn cho công chúng về những đặc tính nhất định của sản phẩm mang NHTT. Vì vậy, hầu hết các nước yêu cầu rằng đơn yêu cầu đăng ký NHTT nộp kèm theo bản quy chế quản lý và sử dụng NHTT, trong đó có Việt Nam.

Một điểm cần lưu ý là việc xem xét các sản phẩm có những đặc trưng riêng của những người sản xuất ở một vùng nhất định có liên quan đến các điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội của vùng. Một NHTT có thể được sử dụng để thể hiện các đặc trưng đó đồng thời là cơ sở để marketing các sản phẩm, đem lại lợi ích cho các nhà sản xuất (Rau an toàn An Hải, Rau an toàn Văn Hải, gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, măng khô Bác Ái…).

Do vậy, NHTT có thể được coi là công cụ hữu hiệu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc vượt qua những thách thức vì quy mô nhỏ và sự phân lập trên thị trường. Việc sử dụng một NHTT mang tên địa danh cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành viên hưởng lợi từ uy tín đạt được từ tên địa danh đó, cơ sở xuất xứ chung. Điều này đặc biệt quan trọng khi xuất xứ là yếu tố chính để xác định chất lượng cũng như thị hiếu đối với một sản phẩm hoặc dịch vụ (táo Ninh Thuận, tỏi Phan Rang). Việc sử dụng một NHTT có thể phát triển một liên minh hoặc hỗ trợ sự hợp tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác nhằm tận dụng tối đa lợi thế của các nguồn lực chung.

Xét về điều kiện bảo hộ sản phẩm dưới hình thức NHTT thì sản phẩm phải có thị trường, có tiềm năng phát triển, có nhiều nhà sản xuất, kinh doanh cùng trong một khu vực địa lý với chất lượng, mẫu mã khác nhau và chưa được kiểm soát; danh tiếng, uy tín của sản phẩm có nguy cơ sụt giảm. Mặt khác, các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm phải nhận thức được sự cần thiết phải giữ gìn uy tín chất lượng sản phẩm của địa phương mình cũng như tự nguyện tham gia cùng xây dựng nhãn hiệu chung cho loại sản phẩm đảm bảo các đặc tính nhất định và đóng góp kinh phí để cùng nhau xây dựng và phát triển nhãn hiệu chung.

Ở tỉnh ta, việc xây dựng NHTT cũng còn một số vướng mắc. Vướng mắc đầu tiên trong việc xác lập quyền là tìm ra tổ chức nào đứng ra làm chủ đơn và quản lý NHTT. Do đặc sản của địa phương mang NHTT hầu hết là nông sản như rau an toàn An Hải, tỏi Phan Rang, nước mắm Cà Ná, mắm Đông Hải hoặc sản phẩm thủ công truyền thống như thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ, gốm Bàu Trúc…. được sản xuất và kinh doanh bởi các hộ cá thể, quy mô nhỏ nên việc xác định tổ chức nào sẽ đứng ra đảm nhận trách nhiệm quản lý việc sử dụng NHTT sau khi văn bằng bảo hộ được cấp là việc làm hết sức khó khăn.

Thực tế cho đến nay, dù UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo số 2917/UBND-KT ngày 3-8-2009 về việc xây dựng một số NHTT đặc sản của địa phương nhưng còn nhiều khó khăn, trong đó quan trọng nhất là việc xác định tổ chức đứng tên chủ thể quản lý và để đăng ký NHTT. Tổ chức đó phải đủ mạnh, uy tín và phải nắm vững việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm, am hiểu thị trường, có kiến thức tổ chức, quản lý cũng như phải có các cán bộ có hiểu biết tốt về SHTT và giá trị của tài sản trí tuệ.

Thứ nhất là Chủ trương của UBND tỉnh là tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về SHTT thông qua Quyết định số 1323/QĐ-UBND ngày 15-6-2011 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp về khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2015 và Quyết định 2304/QĐ-UBND ngày 8-10-2013 về việc điều chỉnh, bổ sung một số điều và nội dung Quyết định 1323/QĐ-UBND về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về KHCN giai đoạn 2011-2015. Sở KH&CN đã tổ chức nghiệm thu dự án do Trung ương ủy quyền đã được Cục SHTT cho phép thực hiện từ tháng 6/2012-8/2013, nhằm phổ biến các kiến thức chung về SHTT cho cộng đồng doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, người tiêu dùng nhận biết về ý nghĩa và tầm quan trọng bảo hộ xác lập quyền đối với sản phẩm hàng hóa đang lưu thông.

Thứ hai là việc xác định chất lượng, đặc thù các sản phẩm mang NHTT. Sản phẩm mang NHTT chủ yếu được xác định chất lượng bằng màu sắc, hình dáng, mùi vị,… và dựa vào cảm quan là chính nên rất khó định lượng để đề ra tiêu chuẩn chung cho sản phẩm.

Thứ ba, khó khăn nữa là việc xác định quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên tham gia sử dụng NHTT. Từ trước đến nay, quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang tính tự phát, chưa có tổ chức. Việc tham gia trong một tổ chức thống nhất sẽ dẫn đến quyền lợi của các thành viên không giống nhau nên thường khó tìm được tiếng nói chung, gây khó khăn rất lớn cho việc quản lý sử dụng NHTT sau này.

Về giải pháp, việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT thông qua các lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của các thành viên trong tổ chức tập thể, các tổ chức Hội/Hiệp hội, hợp tác xã, các cán bộ quản lý trong các cấp lãnh đạo và nâng cao nhận thức chung cho toàn xã hội là điều hết sức cần thiết. Mặt khác cần huy động các phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc.

Mặt khác, việc xây dựng quy chế quản lý sử dụng NHTT cần xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên và đồng thời xây dựng các văn bản pháp quy khác như: tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, quy định đóng gói bao bì, gắn tem nhãn, quy trình kiểm tra chất lượng.

Ngoài ra, bộ máy điều hành việc quản lý sử dụng NHTT cũng cần được đầu tư tốt, cử các cán bộ có năng lực, có hiểu biết về SHTT tham gia; đồng thời, Nhà nước cần có kinh phí hỗ trợ để duy trì hoạt động của bộ máy đó, đặc biệt là trong thời gian đầu khi xác lập quyền. Nhà nước cũng cần có các chính sách, biện pháp mở rộng thị trường, đưa các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đi vào nền nếp, chuyên nghiệp. Có như vậy, các sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương mới có thể phát huy được giá trị của mình trong xu thế hội nhập phát triển thị trường.