Biện pháp “mềm” trong quản lý, giáo dục, chỉ huy bộ đội

(NTO) Trong quản lý, giáo dục, chỉ huy bộ đội, đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở hiện nay vẫn thiên về các biện pháp quân sự “cứng”, đó là mệnh lệnh, đòi hỏi cấp dưới và chiến sĩ phải thực hiện nghiêm như lời thề thứ 2 trong 10 lời thề danh dự của quân nhân “Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên, khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực, thi hành nhanh chóng và chính xác”.

Đối với những biện pháp “mềm”, một số cán bộ còn thiếu kỹ năng, chưa được chú trọng khai thác nhiều, vận dụng linh hoạt và hiệu quả; nhất là trong việc nắm bắt, quản lý, giải quyết các vấn đề tư tưởng.

Biện pháp “mềm” ở đây là cách thức, biệp pháp giải quyết các vấn đề nảy sinh trong đời sống, hoạt động của bộ đội, trước hết là diễn biến về tư tưởng, tình cảm. Trên thực tế, đội ngũ cán bộ qua đào tạo ở các nhà trường chỉ được nghiên cứu những vấn đề cơ bản về phương pháp luận như tâm lý học quân sự, quy trình tiến hành công tác tư tưởng, nguyên tắc chung để giải quyết các vấn đề. Để có được những biện pháp “mềm”, đòi hỏi người cán bộ, đặc biệt là cán bộ chính trị phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, trau dồi phẩm chất đạo đức, chịu khó nghiên cứu học hỏi, trải nghiệm thực tiễn, bám sát đời sống sinh hoạt của bộ đội, không ngừng tích lũy kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức tổng hợp về mọi mặt. Phải có sự quan sát tinh tế, khả năng tư duy, phán đoán, nhận định chính xác. Từng cán bộ phải tâm huyết, tận tụy, thực sự gương mẫu để bộ đội noi theo; phải có lòng nhân hậu, bao dung, vị tha, quan tâm, thương yêu, gần gũi bộ đội, kiên trì vận động, giáo dục, thuyết phục; biện pháp xử lý phải mềm dẻo, tránh lạm dụng mệnh lệnh để áp đặt, bắt buộc. Khi tiến hành công tác tư tưởng, người cán bộ phải tự đặt mình vào vị trí, tâm lý đối tượng để giải quyết vấn đề; phải vận dụng nhiều biện pháp để nắm bắt đúng quy trình các bước trong tiến hành công tác tư tưởng và giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh.

Những biện pháp “mềm” đã được cấp ủy, chỉ huy ở một số đơn vị LLVT tỉnh như Trung đoàn BB 896, Trường quân sự…vận dụng linh hoạt, mang lại hiệu quả thiết thực. Quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy mạnh mẽ, tạo cho đơn vị một môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh và phong phú; các hình thức sinh hoạt đối thoại, hoạt động “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”, góc sinh hoạt tư tưởng, sinh hoạt tổ đoàn kết, giao lưu kết thân, kết nghĩa được đẩy mạnh; kết hợp hài hòa các biện pháp giáo dục chung, giáo dục riêng, phối hợp với địa phương, gia đình quân nhân để giáo dục… đã góp phần tích cực trong quản lý, giáo dục bộ đội.

Biện pháp “mềm” không chỉ là một biện pháp để quản lý, giáo dục bộ đội; đó còn là kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống nói chung. Để kiến thức, kỹ năng ngày càng phong phú, giúp cuộc sống, công việc được tốt hơn, đòi hỏi mỗi người phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện và tích lũy cả quá trình lao động thực tiễn. Đối với hoạt động quân sự, kiến thức và kỹ năng đó càng quan trọng hơn bởi đó là lao động đặc thù. Từng cán bộ, chiến sĩ phải thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động mới tạo nên sức mạnh tổng hợp, đáp ứng yêu cầu “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng dánh thắng”.