Chị Lan kể lại: Khoảng chập tối, tôi đi làm chưa về nên ở nhà chỉ có đứa con gái học lớp 6. Thấy gia đình không có ai, tên trộm vào nhà và tự xưng bạn của mẹ nói con tôi cho mượn chiếc máy bơm nước. Ban đầu, do có nghi vấn về người bạn “lạ” của mẹ, bé Phương-con chị Lan có hỏi tên và được kẻ trộm tự xưng là Sơn. Nhưng sau đó, bé Phương tưởng thật nên đã chỉ chỗ lấy máy bơm nước cho mượn. Sẵn chiếc điện thoại di dộng còn dán tem để ở trên bàn, tên trộm cũng “quơ” đi luôn.
Cũng với thủ đoạn đó, đối tượng trộm cắp tiếp tục “lừa” gia đình anh Trần Đình Hanh ở cùng địa phương. Tại nhà anh Hanh, đối tượng lợi dụng nhà không khóa cửa, xông thẳng vào và lục lọi tìm tài sản có giá trị. Bất ngờ, con trai anh Hanh là cháu Trần Đình Hưng đi vào, vì cháu còn là học sinh nên không có hành động gì. Lúc đó, đối tượng này thanh minh “vào mượn đồ mà không có ai” nên “tự tìm” và cũng tự đi.
Theo các điều tra viên từng thụ lý các vụ trộm cắp như trên cho biết, thực tế đã có nhiều trường hợp kẻ gian sử dụng thủ đoạn “người quen”, lợi dụng sự mất cảnh giác của người dân, hoặc chủ quan để trẻ em ở nhà một mình… công khai bưng bê tài sản có giá trị từ nhà bị trộm ra đường lộ mà người hàng xóm cứ nhầm tưởng đó là thợ sửa chữa thiết bị hoặc người quen của gia đình nên không để ý.
Từ sự việc trên cho thấy, kịch bản của những kẻ trộm “công khai” là sắm vai “người quen” vào mượn đồ; có nơi thì dở thủ đoạn “tìm nhà người thân”; ở vùng nông thôn lừa “mua bò”, “mua cây kiểng”… để đột nhập vào nhà. Đó chính là cơ hội để kẻ gian tung chiêu trộm cắp, nên mọi người cần chủ động cảnh giác.
Bảo An