Triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014-2015

Ngày 18-2, Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2014-2015.

 
Phó trưởng Ban đổi mới DN báo cáo tổng kết. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước...

Báo cáo tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) các năm 2011-2013 và nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh đến năm 2015 của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho thấy, từ năm 2011 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Quyết định, Chỉ thị về cổ phần hóa DNNN; phân công, phân cấp thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu Nhà nước; thành lập mới, tổ chức lại, giải thể, phá sản doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả hoạt động, giám sát và công khai tài chính của doanh nghiệp...

Về tái cơ cấu và cổ phần hóa, Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành phê duyệt các đề án sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011-2015 của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.

Từ năm 2011 đến hết năm 2013, cả nước đã sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 99 doanh nghiệp và sắp xếp theo các hình thức khác 81 doanh nghiệp; tổng số doanh nghiệp cổ phần hóa từ trước đến nay là 4.065 doanh nghiệp.

Qua đó, DNNN tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ. Các doanh nghiệp được cổ phần hóa nêu trên hầu hết có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, tài chính phức tạp; việc cổ phần hóa được số doanh nghiệp này với số cổ phần chào bán gần 19.000 tỷ đồng là nỗ lực, cố gắng rất lớn, đáng ghi nhận.

Hầu hết các doanh nghiệp sau cổ phần hóa có tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động hiệu quả hơn. Sự ra đời của các công ty cổ phần hóa tiếp tục làm tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế, thúc đẩy tái cơ cấu thị trường chứng khoán, tạo bước đổi mới trong nhận thức, tư duy về quan hệ sản xuất và vai trò của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN, chính sách trợ cấp hỗ trợ đào tạo, đào tại lại nghề cho người lao động dôi dư do sắp xếp lại vẫn được thực hiện tốt, làm cho doanh nghiệp và người lao động yên tâm, bảo đảm được ổn định xã hội.

Bên cạnh đó, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã tích cực triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành, địa phương phê duyệt.

Công tác sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực; đã chuyển hầu hết các công ty nông, lâm nghiệp thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Thí điểm cổ phần hóa 35 công ty, chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ 91 công ty, giải thể 36 công ty. Nhiều công ty bước đầu đổi mới quản trị doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản và đất đai, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp tiếp tục được bảo toàn, phát triển từ 700.000 tỷ đồng năm 2010 lên 810.000 tỷ đồng năm 2011 và 1.019 nghìn tỷ đồng năm 2012 (bình quân tăng 15%).

Nhiệm vụ chung tái cơ cấu DNNN đến năm 2015 được xác định là kiên quyết thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích.

Đồng thời hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền sở hữu Nhà nước đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu. Kiện toàn cán bộ quản lý, giám sát, kiểm tra chủ sở hữu. Thực hiện công khai, minh bạch kết quả hoạt động của DNNN theo quy định của pháp luật...

Nguồn chinhphu.vn