|
BsCK1 Nguyễn Nhị Linh Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh |
Phóng viên: Bác sĩ có thể cho biết rõ hơn về tình hình dịch cúm A/H5N1 hiện nay?
- BsCK1 Nguyễn Nhị Linh: Sau hơn 9 tháng không có ca bệnh cúm A/H5N1 trên người, từ đầu năm 2014 đến thời điểm hiện nay cả nước có 2 ca nhiễm cúm A/H5N1 và đã tử vong. Một ca ở Bình Phước và một ở Đồng tháp. Cả 2 ca đều có tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh ( nuôi gà, giết mổ và ăn thịt gà bị bệnh đã chết). Được biết tại 2 địa phương này cũng có ổ dịch cúm gia cầm đang xảy ra tại các hộ chăn nuôi gà, vịt.
Tại tỉnh ta, từ năm 2003 đến nay chưa từng có ca bệnh cúm A/H5N1 trên người. Tuy nhiên, trong năm 2013, có xảy ra dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim yến nuôi và đã xử lý tiêu huỷ. Năm 2014, theo thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh cho biết, ngày 6-2, tại một hộ nuôi gà thương phẩm thuộc khu phố 8 (thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh sơn) có 530/2.200 con gà nuôi bị bệnh và chết, mẫu xét nghiệm bệnh phẩm gà dương tính với chủng cúm A/H5N1. Cơ quan Thú y và chính quyền địa phương đã tiêu huỷ toàn bộ đàn gà của hộ nuôi đồng thời xử lý vệ sinh chuồng trại trong khu vực này.
Phóng viên: Trước tình hình đó, ngành Y tế đã triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cúm A/H5N1 ở tỉnh ta như thế nào?
- BsCK1 Nguyễn Nhị Linh: Hàng năm, ngành Y tế đều xây dựng kế hoạch phòng chống dịch ở người nói chung và cúm A/H5N1, cúm A/H1N1 và cúm A/H7N9 trình UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở đó, ngành thành lập hệ thống giám sát phát hiện bệnh từ tỉnh đến xã, phường, thôn, khu phố. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng từ tỉnh đến huyện, xã chuẩn bị đủ các phương tiện, thuốc, vật tư sẵn sàng cho công tác xử lý khi có bệnh dịch xảy ra. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế các tuyến thực hiện đảm bảo thu dung người mắc bệnh để điều trị kịp thời, hạn chế tử vong. Thực hiện ký kết quy chế phối hợp giữa Trung tâm Y tế Dự phòng và Chi cục Thú y tỉnh trong việc giám sát dịch và xử lý ổ dịch. Phát hành các tờ rơi và đĩa CD truyền thông về phòng ngừa bệnh cúm trong cộng đồng cho các trạm y tế, hệ thống phát thanh của huyện, thành phố và xã, phường và cung cấp tài liệu truyền thông cho các cơ quan truyền thông của tỉnh thông tin đến nhân dân biết và thực hiện phòng bệnh.
Phóng viên: Vậy theo bác sĩ, người dân cần phải làm gì bảo vệ sức khỏe trước bệnh cúm A/H5N1?
- BsCK1 Nguyễn Nhị Linh: Để chủ động phòng chống dịch cúm A (H5N1) lây lan từ gia cầm sang người, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần tuân thủ các biện pháp sau đây: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết mà không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống nước đã đun sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị.
Cũng được nói thêm là hiện nay, bệnh cúm A/H1N1 được xem như cúm mùa, bệnh lưu hành địa phương và đã có vắc xin phòng bệnh. Chính vì vậy, người dân nếu có nhu cầu phòng bệnh cúm A/H1N1, có thể đến các cơ sở y tế dự phòng để được tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh.
Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!
Diễm My (thực hiện)