Thế giới tuần qua

1- Phiên họp thứ 18 của nhóm làm việc theo Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền LHQ diễn ra từ ngày 27-1 đến ngày 7-2 tại Giơ-ne-vơ với 14 quốc gia thành viên LHQ xem xét Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam ngày 5-2.

Báo cáo của Việt Nam được đa số các quốc gia tham gia phiên đối thoại đánh giá là chuẩn bị công phu, toàn diện, có nội dung phong phú, cung cấp các thông tin đầy đủ, đa chiều, thể hiện rõ sự nghiêm túc của Việt Nam đối với cơ chế UPR, thể hiện cam kết về bảo đảm quyền con người và hợp tác quốc tế. Các nước cũng đánh giá cao cách đề cập xây dựng, cởi mở, hợp tác và tích cực của Việt Nam, khẳng định cộng đồng quốc tế hoan nghênh và mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên phạm vi quốc tế…Nhiều nước cũng khuyến nghị Việt Nam tăng cường chia sẻ kinh nghiệm đổi mới, bảo đảm quyền của các nhóm yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm… trong điều kiện kinh tế khó khăn, khuyến nghị Việt Nam tăng cường hợp tác với các cơ chế nhân quyền của LHQ và các Cơ quan Công ước.

2- Vòng đầu của Hội nghị hòa bình Xy-ri (Giơ-ne-vơ 2) đã kết thúc mà không đạt được tiến bộ nào do những động thái quay ngoắt của Oa-sinh-tơn - nhà trung gian Mỹ “nói một đằng làm một nẻo”- trong đó việc các nghị sĩ Mỹ quyết định cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy, vốn đang yếu thế hơn trên chiến trường so với quân đội chính phủ Xy-ri, nhằm giúp lực lượng này “lật ngược thế cờ”. Với một thế cờ như vậy thì việc đàm phán không đạt kết quả là tất yếu.

Ngay sau đó, Nga bảo đảm rằng, chính phủ Xy-ri sẽ tham gia vòng đàm phán mới trong khuôn khổ Hội nghị Giơ-ne-vơ 2, dự kiến từ ngày 10-2 tới. Liên minh Dân tộc Xy-ri (SNC) đối lập cũng khẳng định tham gia. Tuyên bố được lãnh đạo SNC đưa ra trong cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Nga X.La-vrốp tại Mát-xcơ-va hôm 24-2. Cả Nga và SNC đều đánh giá tích cực cuộc gặp giữa 2 bên, giúp thúc đẩy tiến trình đàm phán Giơ-ne-vơ 2.

3- Người phát ngôn Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên hiệp Châu âu (EU) C.A-stơn gặp Tổng thống U-crai-na Y-a-nu-cô-vich ngày 5-2, nhằm thảo luận một số giải pháp chấm dứt khủng hoảng chính trị hiện nay, trong đó có việc thành lập chính phủ và chuẩn bị bầu cử trước thời hạn. EU và Mỹ đang thảo luận sơ bộ về trợ giúp tài chính cho U-crai-na nếu một chính phủ kỹ trị mới ở nước này được thành lập.

4- Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, ngày 4-2 đưa ra tuyên bố kêu gọi các bên ở Thái Lan giải quyết bất đồng hiện nay thông qua đối thoại. Ông Ban Ki-moon cũng bày tỏ quan ngại nhiều cử tri Thái Lan đã không thể thực hiện quyền công dân trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, khẳng định mọi hành động đe dọa tiến trình dân chủ đều không thể chấp nhận. Tổng Thư ký LHQ kêu gọi người dân và giới lãnh đạo các đảng phái chính trị ở Thái Lan cùng nhau tìm kiếm giải pháp chính trị thông qua đối thoại, kiềm chế, nhượng bộ và tôn trọng các nguyên tắc dân chủ.

Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) cho biết, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên toàn quốc trong cuộc tổng tuyển cử hôm 2-2 là 46,74%.

5- Trong cuộc gặp gỡ báo chí nước ngoài tại Oa-sinh-tơn sáng 5-2, trợ lý Bộ Ngoại giao Mỹ Đ.Rát-xơ khẳng định Mỹ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy “hợp tác chiến lược” ở Châu Á – Thái Bình Dương trong chiến lược tái cân bằng ở khu vực này. Mỹ kêu gọi Trung Quốc không tiếp tục thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại các khu vực có tranh chấp chủ quyền. Oa-sinh-tơn rất quan ngại về những diễn biến gần đây ở biển Hoa Đông, Biển Đông, nhất là các hoạt động đơn phương mang tính khiêu khích, các tuyên bố không mang tính ngoại giao, không có tính pháp lý. Việc thành lập ADIZ chỉ làm khu vực trở nên bất ổn, cản trở tiến trình lưu thông trên các vùng không phận quốc tế.