Tập thể giáo viên và học sinh tham dự IYIE 2014
Sân chơi cho những sáng chế giàu tính thực tiễn
Triển lãm được tổ chức từ 21 - 22/1/2014, do Các Hiệp hội Sáng chế và Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIIPA) phối hợp với Trường Đại học Viễn Đông (FEU) của Đài Loan và Hiệp hội Sáng chế của một số nước - đồng tổ chức. Đây là lần thứ hai Triển lãm được tổ chức tại Đài Loan.
Tham dự Triển lãm Quốc tế lần này có trên 1.000 học sinh và sinh viên có độ tuổi dưới 25, đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Philipinnes, Singapore, Quatar, Thái Lan, Hoa Kỳ, Macao, Việt Namvà Đài Loan...
Tại triển lãm năm nay, Hội đồng giám khảo quốc tế đã chấm điểm với những tiêu chuẩn rất cao, nghiêng nhiều về thực tiễn ứng dụng của các sáng chế.
Sau hai ngày triển lãm, đánh giá các sáng chế của Hội đồng, lễ bế mạc Hội thi đã được tổ chức trang trọng với sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đài Loan, Chủ tịch Hiệp hội WIIPA và Hiệu trưởng một số trường Đại học.
Tin vui đón Xuân mới
Đêm 24/1, ra sân bay Nội Bài (Hà Nội) đón đoàn học sinh từ Đài Loan trở về, đại diện Bộ GD&ĐT có: TS Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Phó trưởng Ban chỉ đạo Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học; PGS TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Ủy viên thường trực Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học. Về phía nhà trường có PGS TS Nguyễn Vũ Lương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH KHTN – ĐHQGHN).
Đoàn học sinh Việt Nam với 5 sáng chế tham dự triển lãm đã gặt hái thành tích xuất sắc: Một giải đặc biệt của WIIPA (trong tổng số 10 sản phẩm tham dự đoạt giải, một số nước không nhận được giải này), 1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng.
Ngoài ra, 1 sáng chế của đoàn Việt Nam được nhận 1 giải đặc biệt do Hiệp hội Sáng chế Hồng Kông trao tặng.
Theo ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), tiêu chí của sân chơi quốc tế IYIE rất phù hợp với mục tiêu của cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT hiện nay tại Việt Nam, đó là chuyển từ định hướng giáo dục nội dung sang định hướng giáo dục, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, tăng cường đưa những kiến thức lý luận vào thực tiễn.
Những thành tích cao của học sinh Việt Nam trên các sân chơi khoa học quốc tế như IYIE 2014 đã góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho những quyết tâm triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT trong năm mới 2014.
Thành tích của đoàn học sinh Việt Nam
1 Giải đặc biệt của WIIPA (trong tổng số 10 giải): Sáng chế: ELP - Easy Learning Programming (Tạm dịch: Tự học lập trình đơn giản). Tác giả: Đinh Lâm Nghị và Phạm Vũ Minh Cương - Trường THPT Chuyên KH Tự nhiên (Trường ĐH KH Tự nhiên – ĐHQGHN);
1 Huy chương Vàng: Sáng chế: Oil Spill Cleanup by Natural Sorbent from Corncobs (Tạm dịch: Làm sạch dầu tràn bằng vật liệu hút ẩm tự nhiên làm từ lõi ngô). Tác giả: Trần Vân Anh và Nguyễn Minh Quang - Trường THPT Chuyên KH Tự nhiên (Trường ĐH KH Tự nhiên, ĐHQGHN);
3 Huy chương Bạc:
- Sáng chế: Electricity Saving Software (Tạm dịch: Phần mềm tiết kiệm điện). Tác giả: Nguyễn Mạnh Đức Tuân - Trường THCS Nguyễn Du 2 (Hà Nội);
- Sáng chế: SMINDMAP: WHEN EDUCATION MEET SOCIAL NETWORK (Tạm dịch: Khi giáo dục và mạng xã hội gặp nhau). Tác giả: Lương Thế Minh Quang - Trường THPT Chuyên KH Tự nhiên (Trường ĐH KH Tự nhiên, ĐHQGHN);
- Sáng chế: ELP - Easy Learn Programming (Tạm dịch: Tự học lập trình đơn giản). Tác giả: Đinh Lâm Nghị và Phạm Vũ Minh Cương - Trường THPT Chuyên KH Tự nhiên (Trường ĐH KH Tự nhiên, ĐHQGHN);
1 Huy chương Đồng: Sáng chế: The Little Man Computer Simulation (Tạm dịch: Mô phỏng máy tính của người tí hon). Tác giả: Nguyễn Quang Hải - Trường THPT Chuyên KH Tự nhiên (Trường ĐH KH Tự nhiên, ĐHQGHN);
1 Giải đặc biệt của Hiệp hội Sáng chế Hồng Kông dành cho sáng chế Oil Spill Cleanup by Natural Sorbent from Corncobs (Tạm dịch: Làm sạch dầu tràn bằng vật liệu hút ẩm tự nhiên làm từ lõi ngô). Tác giả: Trần Vân Anh và Nguyễn Minh Quang - Trường THPT Chuyên KH Tự nhiên (Trường ĐH KH Tự nhiên, ĐHQGHN).
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại