Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các chuyên gia kinh tế. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Tại buổi làm việc, các chuyên gia kinh tế đồng tình cao với quan điểm nhất quán của Chính phủ là muốn phát triển bền vững, phải tiếp tục kiên định, nhất quán tăng cường hơn nữa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế.
Các chuyên gia cũng đề nghị phải đưa ngay Nghị quyết 01 của Chính phủ vào cuộc sống với sự phân công, phân nhiệm cụ thể từ các bộ, ngành đến các địa phương và cập nhật thường xuyên kết quả triển khai để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.
Trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế trong nước và thế giới, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ cần tập trung vào các chính sách ngắn hạn nhằm giải quyết thách thức trước mắt, đồng thời cần nghiên cứu, ban hành bài bản các chính sách trung và dài hạn, nhất là đối với ổn định kinh tế vĩ mô, nợ công…
Bên cạnh đó cần điều hành tỷ giá, lãi suất linh hoạt hơn; giải quyết kịp thời các vướng mắc về thủ tục, pháp lý và cơ chế nhằm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng cũng như tăng cường tính minh bạch và kỷ luật hành chính; quyết liệt tháo gỡ khó khăn cụ thể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo thủ tục thuận lợi để doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn vay. Đặc biệt cần quan tâm tập trung hơn nữa trong xử lý nợ xấu và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị Chính phủ cần quyết liệt tạo chuyển biến rõ nét trong cải cách hành chính; rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai tối đa cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và chuẩn bị ký kết.
Một số chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp, nông thôn cần có chiến lược dài hạn theo hướng tăng dần quy mô, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, song song với phát triển thị trường và thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, dựa trên nguyên tắc nông dân là chủ thể, doanh nghiệp là trung tâm còn Nhà nước tạo cơ chế, chính sách thuận lợi.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia nhằm góp phần hoạch định chính sách ngày càng sát với thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Thủ tướng nhấn mạnh trong tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ đã nêu trong Nghị quyết 01, năm nay Chính phủ quyết tâm tạo bước chuyển rõ nét trong công tác quản lý giá và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nhất là chấm dứt tình trạng Nhà nước phải bù lỗ giá hàng hóa; Nhà nước chỉ hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá xăng, dầu, than, điện để nhân dân giám sát và từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và giáo dục; tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước mà trọng tâm là cổ phần hóa trong năm nay và năm 2015 khoảng 500 tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời tái cơ cấu ngân hàng mà quan trọng nhất là tập trung xử lý nợ xấu và tình trạng sở hữu chéo.
Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ đang tập trung đẩy nhanh tiến trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thêm động lực để đẩy mạnh cải cách ở trong nước, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và tăng cường dân chủ trong kinh tế.
Nguồn www.chinhphu.vn