Ninh Hải là huyện có đồng muối rất lớn, với tổng diện tích xấp xỉ 850 ha, trải dọc theo các xã, thị trấn ven biển, trong đó riêng xã Tri Hải có 210 ha. Mùa vụ muối của diêm dân bắt đầu từ tháng chạp năm trước đến tháng 6 của năm sau. Nghề muối lại là cái nghề vất vả và trông chờ vào thiên nhiên không kém gì trồng lúa. Năm nào nắng đều đều thì sản lượng khá, nếu mưa là mất vụ.
Mùa thu hoạch muối của diêm dân. Ảnh: Minh Quốc
Người con lớn lên giữa cánh đồng muối Tri Hải, tôi không tự tin lắm để nói rằng am hiểu hết được cuộc sống của diêm dân nơi đây. Nhưng tôi đã bao lần buồn vui cùng gia đình, và vì thế tôi cũng hiểu hơn về cảm giác của người làm muối. Nghề muối là nghề phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều, trời nắng giúp bà con có thu hoạch, mưa thì chỉ biết nhìn nhau “không dám cười cũng không dám khóc”. Ngoài yếu tố về thời tiết, muốn có hạt muối trắng, mau đóng thì còn phụ thuộc vào độ mặn của nước, hướng gió… Không như mọi người nghĩ gió mạnh là độ bốc hơi nước sẽ nhanh hơn mà phải là những cơn gió nhẹ vừa làm nước bốc hơi nhưng cũng phải giữ “chân” ruộng để hạt muối có thể đậu hạt nhanh hơn. Người làm muối không chỉ phụ thuộc vào thời tiết, mà còn trăn trở nhiều điều như các mặt hàng nông sản khác, “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”. Muối chỉ khác các sản phẩm trên để lâu không bị hư hỏng mà còn bán được. Nhưng đối với các hộ diêm dân thì các sân chứa muối chỉ để được một đến hai lần thu hoạch. Nên việc dự trữ muối để chờ giá lên là rất khó. Không riêng đó, nghề muối là nơi cần lao động nhưng người dân khó thể có công ăn việc làm ổn định thời gian dài cho họ nên trong công việc thì làm ngày nào ăn ngày đó.
Hết vụ muối, người lao động đi tìm các công việc khác để làm. Vừa khó khăn cho hai phía, mùa vụ mới bắt đầu khi các chủ ruộng muối muốn sửa sang ruộng thì thiếu lực lượng lao động. Vụ muối bắt đầu từ tháng chạp là thời gian cuối năm nên công việc tất bật hơn. Ai ai cũng muốn thu hoạch được một đến hai lứa muối để cuối năm gia đình có gì đó trong nhà để đón Tết.
Nghề muối là thế đó, không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra. Để nghề muối phát triển bền vững, người làm muối có thể yên tâm sống bằng nghề, cần có sự mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm muối. Đầu tư kỹ thuật sản xuất mới, triển khai công nghệ trải bạt, che mưa để sản xuất muối theo hướng hiện đại, kết tinh dài ngày, vừa có năng suất cao, lại chất lượng hiệu quả. Mô hình sản xuất muối sạch bằng phương pháp trải bạt trên nền ô kết tinh được triển khai tại xã Tri Hải (Ninh Hải) đã thu hút nhiều hộ diêm dân tham gia. Kết quả cho thấy chất lượng muối được nâng cao hơn; năng suất tăng thêm 15% và giá tiêu thụ cao hơn 10% so với cách sản xuất truyền thống. Từ kết quả trên, nhiều hộ diêm dân trong tỉnh đã tự đầu tư hàng trăm triệu đồng để sản xuất muối theo mô hình tiên tiến này. Tuy nhiên vấn đề của các diêm dân là phải có nguồn vốn.
Mặc dù cuộc sống của diêm dân vẫn còn bấp bênh, nhưng họ vẫn luôn bám với đồng muối vì đeo đuổi cái “nghiệp”. Tôi yêu lắm vị mặn của biển, các hạt muối trắng tinh và cả nghề muối của người dân quê tôi.
Hải Nam